Nhiều năm rồi, những nhân viên ở Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã trở thành “bà đỡ”, giúp hàng ngàn con rùa biển quý hiếm được sinh ra và đưa trở về môi trường tự nhiên sống an toàn. Một ngày giữa tháng 10, tháng cuối cùng của mùa rùa sinh sản trong năm, chúng tôi đến Cù Lao Câu cùng tham gia “đỡ đẻ” cho rùa.
Trắng đêm canh rùa đẻ
Sau hành trình dài gần 1 giờ trên biển, đảo Cù Lao Câu (còn gọi Hòn Cau, ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) hoang sơ, bình dị hiện ra như một chiến hạm bằng đá nổi vững chãi giữa biển trời bao la. Vừa đặt chân lên đảo, anh Trần Công Lập, Đội trưởng Đội tuần tra - kiểm soát Khu bảo tồn biển Hòn Cau ra tận cầu tàu tiếp đón chúng tôi với nụ cười tươi rói. Biết trước mục đích của nhóm khi ra đảo, anh Lập nói ngay: “Các anh lên bờ nghỉ ngơi lấy sức trước đã, vì đêm nay chúng ta sẽ phải thức trắng đêm đấy! Anh em mới báo tôi biết, vừa phát hiện một con rùa mẹ đang mon men lên bờ để tìm nơi đẻ trứng”. Nghe vậy, tất cả chúng tôi đều rất hào hứng. Uống xong ly nước có vị lờ lợ được múc lên từ giếng nước ngọt duy nhất trên đảo mà anh Lập đưa cho, chúng tôi theo chân người đàn ông này trở về trạm bảo tồn nghỉ chân, để chờ xem… rùa đẻ.
Những quả trứng rùa, thành quả của các “bà đỡ” sau một đêm trắng canh rùa đẻ
Nửa đêm, anh Lập vỗ vai chúng tôi gọi: “Dậy thôi các anh! Tới giờ đỡ đẻ cho rùa rồi”. Trước khi xuất phát, anh Nguyễn Trọng Bằng - nhân viên trạm, dặn dò mọi người: “Đảo này có nhiều rắn độc nên phải mang giày vải vào để đề phòng”. Sau khi được trang bị các dụng cụ bảo vệ cần thiết như đèn pin, giày vải, bạt, giỏ… nhóm chúng tôi theo anh Lập cùng 3 nhân viên khác của trạm đi về phía bãi biển. Đêm trên đảo, bóng tối dày đặc, chúng tôi dò dẫm theo ánh đèn pin của anh Lập, nhẹ nhàng tiến về bãi Nhất, nơi buổi chiều có tin báo phát hiện dấu chân rùa bò lên đẻ trứng. Gần đến nơi dự báo rùa sẽ “nằm ổ”, anh Lập tắt đèn pin, yêu cầu mọi người đi nhẹ nhàng, không nói lớn tiếng và cũng không bật điện thoại, bởi ánh sáng và tiếng động sẽ làm rùa hoảng sợ bỏ đi ngay. Chợt anh Nguyễn Sang phát hiện một bóng đen to lù lù ngoi lên từ mặt biển đang nhẹ nhàng tiến vào bờ. “Suỵt! Rùa đó, mọi người ngồi im nhé”, anh Lập “ra lệnh”. Tất cả gần như nín thở, hồi hộp, chờ đợi… Nhờ ánh trăng nên dù trong bóng đêm, chúng tôi vẫn nhìn rõ con rùa khổng lồ, nặng đến cả tạ đang tiến dần về bãi cát trong hốc đá trên bãi Nhất. Quá thích thú, tôi quên mất lời dặn, định đưa máy ảnh lên chụp, liền bị anh Lập ngăn lại. Con rùa biển sau khi đến nơi đã “khảo sát” từ trưa, nhẹ nhàng dùng hai chân sau bới một hố cát rộng chừng 50cm, sâu khoảng 20cm rồi nằm xuống đó. Chờ rùa nằm yên vị trong ổ, anh Lập kêu anh Bằng tiếp cận và tìm cách gắn thẻ vào chân rùa nhằm theo dõi xem năm sau nó có quay lại đẻ trứng nữa không. Hiểu được cảm giác háo hức của chúng tôi, anh Lập đồng cảm chia sẻ: “Chỉ được một người tiếp cận thôi, nếu chúng ta xuống xem hết thì rùa sợ và sẽ không tiếp tục nằm đẻ nữa đâu”. Hoàn thành công việc của mình, anh Bằng trở lại thông báo “rùa chưa đẻ” và bảo mọi người trải bạt nằm chờ.
Gần 2 giờ sau, con rùa nhúc nhích đứng dậy, dùng chân bới cát lấp ổ trứng lại, rồi lặng lẽ trở về đại dương. Biết rùa đã đẻ xong, tất cả chúng tôi cùng kéo đến xem. Đêm ấy, con rùa này để lại 120 quả trứng to như những trái bóng bàn, màu trắng toát.
Sự hy sinh thầm lặng
Khi mặt trời của ngày mới vừa ló dạng, cũng là lúc chúng tôi hoàn tất những mẩu chuyện về rùa ở hòn đảo này, mọi người đều mệt mỏi vì mất ngủ, nhưng ai cũng cảm thấy vui. Tất cả số trứng này được nhân viên của khu bảo tồn di chuyển về khu ấp trứng ở gần trạm để tiến hành công đoạn ấp nở. Thường thì sau khoảng 55 - 57 ngày ấp, những chú rùa con sẽ ra đời. Nhân viên khu bảo tồn cho biết, tỷ lệ trứng rùa nở thành con còn tùy thuộc nhiều yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm và đặc biệt là trứng rùa rất dễ bị mất cắp. “Một ổ trứng có giá trị hơn chục triệu đồng nên luôn là mục tiêu của những kẻ trộm. Do vậy, chúng tôi phải phân công nhau theo dõi và bảo vệ cho đến khi trứng rùa nở, đàn rùa con được thả về với biển”, anh Lập cho biết.
Nói về cái duyên đến với công việc “bà đỡ” cho rùa, anh Lập tâm sự, tất cả 10 thành viên trong khu bảo tồn đến với nghề vì đều có chung niềm đam mê với rùa biển. Vì vậy, những thành viên này đã tình nguyện rời đất liền, xa người thân, bạn bè, cuộc sống đầy đủ trong bờ để ra hòn đảo hoang sơ, thiếu thốn trăm bề này chỉ để giúp trứng rùa nở thành con. Bà Nguyễn Thị Mươi (60 tuổi), chủ quán nước duy nhất trên đảo Cù Lao Câu, cho biết: “Cách đây 33 năm, ngày tôi mới ra đảo, con vích (rùa biển) nhiều vô kể. Cứ đến mùa sinh sản, chúng lên bờ đào cát làm tổ đẻ trứng và bị nhiều ngư dân canh bắt để giết thịt, lấy trứng đem bán, nên giờ rùa biển ít xuất hiện”. Đưa ánh mắt về phía biển, người đàn bà có khuôn mặt rạm nắng trải lòng: “Mấy năm qua, cũng nhờ những người như anh Lập, anh Bằng, chị Phi… ra đây làm công tác bảo tồn rùa biển nên gần đây thấy rùa trở lại đảo đẻ trứng nhiều hơn”.
Là người thường xuyên tiếp chuyện với những nhân viên của khu bảo tồn nên bà Mươi dường như biết tường tận về hoàn cảnh cũng như nỗi vất vả mà những “bà đỡ” này từng nếm trải. Nào là chuyện anh Lập vào đúng ngày vợ sinh con thì anh lại phải ra đảo lo đỡ đẻ cho rùa; rồi chuyện anh Bằng bị rắn độc trên đảo cắn khiến ngón tay cái gần như bị tàn phế; hay chuyện chị Phi, dù là phái nữ nhưng cũng không chịu thua kém cánh mày râu, tình nguyện ra đảo để cứu rùa biển… Khi được hỏi vì sao lại chọn nghề cực nhọc này, chị Phi mỉm cười rồi chỉ tay về ổ trứng rùa còn khoảng một tuần nữa sẽ nở, nói: “Không hiểu sao, cứ nhìn thấy đàn rùa con xinh xắn chui lên khỏi mặt cát, tung tăng trở về với biển là lòng tôi cảm thấy hạnh phúc khó tả”.
Lo mai này rùa không về đảo
Sau 6 năm đi vào hoạt động, Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã trợ giúp, cứu hộ được hàng ngàn rùa con và nhiều cá thể rùa biển trưởng thành, trở về với biển an toàn. Chỉ tay về phía các bãi trên đảo như bãi Tràng Dão, Ăn Cướp, Mũi Tàu… anh Lập vui vẻ kể: “Đó là những nơi rùa biển thường kéo nhau về làm tổ đẻ trứng. Từ khi thành lập đến nay, tại những bãi biển đó, chúng tôi đã cứu hộ, bảo vệ được 13 cá thể rùa mẹ cùng hàng ngàn quả trứng ấp nở thành công. Năm nay rùa về nhiều kỷ lục; đến thời điểm hiện tại, chúng tôi ghi nhận có tới 17 cá thể rùa mẹ lên bờ đẻ trứng và 13 ổ trứng được ấp nở trọn vẹn, cùng với đó là hàng ngàn rùa con khỏe mạnh đã được chúng tôi đưa trở về đại dương để sống trong môi trường tự nhiên”.
Tuy nhiên, trong lòng của những người làm công tác bảo tồn rùa biển trên hòn đảo này vẫn đau đáu nỗi lo khôn nguôi. Đó là trong 2 năm trở lại đây, hệ sinh thái xung quanh Hòn Cau đang có dấu hiệu bị xâm hại nghiêm trọng. “Năm 2015, chúng tôi bất ngờ phát hiện hệ san hô ở khu vực bãi Trước bị chết bất thường. Sau đó, khu bảo tồn phải nhờ sự trợ giúp của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, tiến hành di chuyển bãi san hô này ra khu vực khác”, anh Lập thông tin. Cùng với đó, trong năm 2016, theo các nhân viên khu bảo tồn, mặc dù rùa biển kéo về để trứng nhiều hơn mọi năm nhưng tỷ lệ trứng nở thành rùa con đang ngày càng thấp. Nguyên nhân chưa được rõ, nhưng những người sinh sống lâu năm trên hòn đảo này cho biết, kể từ khi nhà máy nhiệt điện nằm cách đảo chừng 9km đi vào hoạt động thì xảy ra các hiện tượng đáng báo động này. Là người hiểu rõ về bản tính của rùa biển, anh Lập thở dài, lo ngại: “Rùa nhạy cảm lắm, chỉ cần môi trường biển thay đổi là chúng không về sinh sản nữa. Nếu vấn đề môi trường không được quan tâm, tôi lo ngày nào đó rùa sẽ không về đảo đẻ trứng nữa”.
Nguyễn Tiến
Các tin, bài viết khác