Bà con dân tộc về Thủ đô dựng cây nêu trong ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc

Sẽ có 6 cây nêu của đồng bào dân tộc ở 6 tỉnh, thành phố được dựng tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Hà Nội) trong Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023. Đây là thông tin do Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung đưa ra ngày 17-11 trong họp báo về sự kiện trên.
Dựng cây nêu của đồng bào Cơ tu. Ảnh: LÀNG VHDL CÁC DÂN TỘC VN
Dựng cây nêu của đồng bào Cơ tu. Ảnh: LÀNG VHDL CÁC DÂN TỘC VN

Theo đó, Đắk Lắk trình diễn cây nêu gắn với nghi lễ về sức khỏe của đồng bào Ê đê, Sơn La có cây nêu gắn với dân tộc Thái, Đà Nẵng có cây nêu gắn với đồng bào Cơ Tu, Thanh Hóa là cây nêu gắn với dân tộc Mường, Quảng Nam sẽ là cây nêu của đồng bào Ca Dong, còn Lai Châu là cây nêu của dân tộc Thái. Nghi lễ dựng 6 cây nêu này sẽ được thực hiện trong không gian trưng bày của mỗi tỉnh tại làng Văn hóa.

Cũng trong dịp này, tại đây sẽ tổ chức nhiều hoạt động tái hiện các nghi lễ văn hóa, lễ hội của đồng bào dân tộc Nùng và dân tộc Mường.

Cụ thể, đồng bào Nùng tái hiện trích đoạn lễ cấp sắc Pụt (lẩu Pụt) nghi thức truyền thống. Đây là một thủ tục bắt buộc đối với người muốn làm nghề cúng bái. Lễ tổng hợp nhiều nghi lễ cúng tổ tiên, giải xung, giải hạn… và được thực hiện với sự tham gia của các lực lượng Tào, Pụt, Mo.

Các nghi lễ này hướng đến việc tống tiễn những cái xấu đi, đón điều tốt đẹp đến để làm phong quang cửa nhà của người được cấp sắc. Lễ cấp sắc của người Nùng được tiến hành một lần trong chu kỳ vòng đời và diễn ra trong 2 ngày.

Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao được tổ chức trong Ngày hội trình diễn cây Nêu và Tuần Đại đoàn kết di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao được tổ chức trong Ngày hội trình diễn cây Nêu và Tuần Đại đoàn kết di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam

Đồng bào Mường sẽ tái hiện Lễ hội thưởng hoa (Pôồn Pôông). Đây là lễ hội đã có từ xa xưa, có người cho rằng nó bắt nguồn từ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”. Trong tiếng Mường, “Pồôn” có nghĩa là chơi, vờn, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa; “Pồôn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên hoa. Chủ của lễ hội là ậu máy (còn gọi là bà máy), người có uy tín trong làng, cùng những người diễn trò múa hát xung quanh cây bông - vật trung tâm của lễ hội.

Cây bông là biểu tượng của vũ trụ, dựng cây bông đồng nghĩa với việc trả ơn thần linh, mời thần linh về chung vui cùng con người. Lễ hội Pồôn Pôông gồm phần lễ và phần hội (diễn trò). Tất cả các trò diễn đều xoay quanh cây bông, mô phỏng lại phong tục, tập quán, phản ánh đời sống tâm linh, văn hóa của đồng bào Mường...

Cùng với đó là Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ; Tây Nguyên và Tây Bắc với phần biểu diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống các dân tộc; ẩm thực; trình diễn nghệ thuật dệt vải, chế tác nhạc cụ, trò chơi dân gian... Triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 sẽ giới thiệu đến công chúng 160 bức ảnh chọn lọc về 54 dân tộc Việt Nam...

Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023 và Tuần Đại đoàn kết di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam là sự kiện do Bộ VHTT-DL và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh di sản văn hóa, thiết thực chào mừng 93 năm ngày truyền thống - ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11).

Tin cùng chuyên mục