Bà chủ Xuyên Việt Oil xin bán xe bồn chở dầu để khắc phục hậu quả

Ngày 21-11, TAND TPHCM tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil). Trong đó, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil) bị xét xử về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Đưa hối lộ".

Vi phạm pháp luật vì kinh doanh thua lỗ

Trả lời xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Bị cáo đã chỉ đạo Nguyễn Thị Như Phương (Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) không trích lập Quỹ BOG đầy đủ, không kết chuyển tiền Quỹ BOG vào tài khoản Công ty Xuyên Việt Oil theo quy định mà chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Hạnh.

z6053907472205_02855809fab03bb916fca6d910c1463c.jpg

Trong việc được pháp luật giao thu hộ tiền thuế bảo vệ môi trường từ hoạt động kinh doanh xăng dầu, bị cáo Hạnh cố ý không chuyển nộp số tiền thuế vào ngân sách mà sử dụng vào mục đích cá nhân và mất khả năng hoàn trả cho ngân sách.

Hạnh khai có dùng tiền từ Quỹ BOG đi đầu tư dàn trải từ xăng dầu đến các dự án bất động sản, nhưng quản lý còn hạn chế nên thua lỗ. Cũng vì thua lỗ, Hạnh không nộp thuế bảo vệ môi trường mà dùng bù lỗ cho việc kinh doanh, đưa hối lộ cho nhiều quan chức Bộ Công Thương để được cấp lại giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Xuyên Việt Oil. “Lúc đó hàng khan hiếm vì đại dịch Covid-19 đang diễn ra, bị cáo mong duy trì cho công ty cũng như cho mình nên gây ra lỗi lầm”, bị cáo Hạnh giải thích thêm.

z6053908125483_e98d4b410ba96a2f0a3d8d4155fe008c.jpg
Đại diện Viện kiểm sát tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về khả năng khắc phục hậu quả vụ án, theo bị cáo Hạnh, ngoài các tài sản đang bị kê biên, phong tỏa, bản thân xin tự nguyện đưa số tài sản hiện có bao gồm tài sản đứng tên công ty, cá nhân, tài sản hình thành trước khi kinh doanh và tài sản nhờ người quen đứng tên để khắc phục hậu quả.

Theo bị cáo Hạnh, bị cáo có 1 bất động sản là căn biệt thự có giá khoảng 10 tỷ đồng ở Mũi Né (Bình Thuận) do Đỗ Xuân Thiện đứng tên. Ngoài ra, công ty có 3 xe bồn chở dầu. Hiện 3 xe này không thế chấp, xin bán để khắc phục hậu quả.

9HH02407.jpg
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil) tại tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cựu Bí thư tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ nộp lại 20 tỷ đồng

Tại tòa, bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre khai nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Về hành vi nhận hối lộ, bị cáo Thọ trình bày, đầu năm 2019 và 2020, bị cáo Hạnh tặng quà cho bị cáo dịp Tết Nguyên đán, bị cáo cũng hỏi thăm Hạnh với tư cách ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Bị cáo Hạnh có trao đổi với bị cáo và mong bị cáo quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp. Bị cáo cũng nói rõ với Hạnh công ty cần chủ động về đầu mối, kế hoạch kinh doanh, thì ngân hàng sẽ xem xét đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Sau này, khi bị cáo về Bến Tre làm Bí thư Tỉnh ủy, bị cáo cũng kế thừa các lãnh đạo đi trước, riêng để phát triển xã hội, tỉnh Bến Tre còn rất nghèo, nên bị cáo cũng bàn bạc với anh em, cùng tỉnh phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó, bị cáo cùng lãnh đạo tỉnh tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp, thu hút đầu tư về tỉnh. Do biết bị cáo Hạnh từ trước nên bị cáo mời về đóng góp cho tỉnh Bến Tre về vấn đề an sinh xã hội, đầu tư thu hút việc làm…

9HH02401.jpg
Bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

Ông Lê Đức Thọ xin HĐXX cho được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo và nhân văn nhất của Đảng. Bị cáo biết bản thân vi phạm những điều đảng viên không được làm, song quá trình làm việc cũng đã cố gắng, nỗ lực, đóng góp cho ngành ngân hàng, cho tỉnh Bến Tre….

Ông Thọ xin nộp lại những quà mà bà Hạnh đã tặng để khắc phục hậu quả và xin HĐXX cho gia đình ông nhận lại các tài sản thuộc sở hữu hợp pháp, không liên quan đến vụ án. Theo tòa, tới nay gia đình bị cáo Thọ đã khắc phục khoảng 20 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục