Gạo vàng GR2E (Golden Rice) là giống gạo biến đổi gen nhằm tăng hàm lượng beta-carotene, do Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) phát triển. Thông qua công nghệ biến đổi gen, beta-carotene có thể chuyển hóa thành vitamin A sau khi cơ thể tiêu thụ. Việc nghiên cứu và phát triển Gạo vàng nhằm hỗ trợ giảm thiểu các bệnh do thiếu hụt vitamin A đang gây ra những tổn hại sức khỏe của hàng triệu trẻ em và phụ nữ mang thai thế giới.
Trong “Chương trình Lúa gạo tăng cường sức khỏe” của IRRI, giống Gạo vàng GR2E là gạo biến đổi gen tăng cường dinh dưỡng đầu tiên được cấp phép sử dụng làm thực phẩm. Hiện IRRI đang nghiên cứu phát triển các giống lúa khác có khả năng tăng cường thành phần sắt, kẽm và beta-carotene nhằm giúp con người hấp thu được nhiều hơn các chất vi lượng quan trọng. Các giống lúa này có thể giúp thực hiện hiệu quả các mục tiêu toàn cầu về khắc phục tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của con người.
Thông tin này được công bố trên Công báo Liên bang Australia vào cuối tháng 2 vừa qua, đánh dấu mốc hoàn thiện của toàn bộ quá trình đánh giá an toàn do Cơ quan Tiêu chuẩn về thực phẩm của Australia và New Zealand tiến hành (FSANZ). FSANZ là cơ quan đại diện cho Chính phủ Australia, chính quyền các bang và vùng lãnh thổ của Australia cùng Chính phủ của New Zealand chịu trách nhiệm thực hiện các đánh giá an toàn đối với thực phẩm biến đổi gen. Để tiến hành quy trình này, FSANZ áp dụng những phương pháp tiếp cận thận trọng, dựa trên các khái niệm và nguyên tắc được phát triển và công nhận bởi các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Ủy ban Codex) trong hơn 2 thập niên qua.