Đồng ý kiến về vấn đề Biển Đông
Theo thông tin từ trang tin defenseconnect.com.au của Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Australia Linda Reynolds đã đồng ý rằng hai nước sẽ bắt đầu phối hợp để cho phép Nhật Bản hỗ trợ bảo vệ các tài sản quân sự của Australia trong các tình huống bị tấn công.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản và Australia đang tăng cường cảnh giác trước việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động quân sự ở các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc.
Đối với vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds cho biết, hai bên đã đồng ý tăng cường các hoạt động hàng hải ở Biển Đông trong bối cảnh có những quan ngại về “các hành động đơn phương gây mất ổn định và ép buộc”, có nguy cơ “thay đổi hiện trạng”.
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Nhật Bản nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ nỗ lực quân sự nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không.
Hai bộ trưởng tái khẳng định “quan ngại nghiêm trọng” về các sự cố gần đây trong khu vực, bao gồm việc tiếp tục quân sự hóa các thực thể có tranh chấp, sử dụng một cách nguy hiểm các tàu tuần duyên cùng “lực lượng dân quân hàng hải”, và các nỗ lực làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên. Hai bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Hai bên cũng đã nhất trí thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn dựa trên các lợi ích quốc phòng và an ninh, trong đó có việc tăng cường các hoạt động hợp tác song phương và đa phương thường xuyên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm các hoạt động hàng hải ở Biển Đông.
Giữ vai trò “cân bằng mềm”
Nhật Bản là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du đến 4 nước gồm Nhật Bản, Singapore, Brunei và Philippines nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương và các thách thức an ninh trong khu vực của Bộ trưởng Quốc phòng Australia.
Theo AP, Nhật Bản không phải là nước đòi chủ quyền trong các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng luôn bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và Đông Nam Á, vốn đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong những lợi ích chiến lược của Nhật Bản cả về phát triển kinh tế và cân bằng quan hệ giữa các nước lớn. 42% thương mại hàng hải của Nhật Bản và 80% lượng dầu nhập khẩu của nước này đi qua Biển Đông.
Đối với Australia, Đông Nam Á vừa là “cửa ngõ” để hội nhập với châu Á, vừa gắn liền với những thách thức về an ninh và phát triển. Sự thịnh vượng về kinh tế và vững mạnh về an ninh của Australia phụ thuộc vào khả năng hội nhập của quốc gia này với một khu vực có sức phát triển năng động về kinh tế và đang thu hút nhiều luồng đầu tư. Đứng trước bối cảnh mới, cả Australia và Nhật Bản đều xem khu vực Đông Nam Á gắn liền với những lợi ích chiến lược của mình.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù những quan tâm, can dự này không phải lúc nào cũng thật sự rõ ràng nhưng thực tế, vai trò của các cường quốc tầm trung luôn gắn bó chặt chẽ và có tác động đáng kể đến sự vận động và hình thành trật tự khu vực. Hiện Australia được nhìn nhận như là một cường quốc tầm trung đang giữ vai trò “cân bằng mềm” trong quan hệ giữa các chủ thể chính tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngày 21-10, phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh, Biển Đông là một trong những tuyến giao thông vận tải biển chính nối Nhật Bản và Đông Nam Á. Chính phủ Nhật Bản ưu tiên hòa bình và thịnh vượng trong khu vực, cũng như tự do và tôn trọng pháp quyền ở Biển Đông. |