Tháng 8, chúng tôi đến thành phố Darwin, ở vùng Northern Territory, khi thành phố này đang nhộn nhịp với hàng ngàn lượt du khách đổ về tham dự Lễ hội Darwin. Darwin được chọn tổ chức lễ hội vì thành phố nhiệt đới xinh đẹp này được mệnh danh là “thành phố đa văn hóa của Australia” có công dân đến từ hơn 60 quốc gia.
Một thực đơn ẩm thực đa dạng, trong đó chỉ cách để gọi tên Phở của Việt Nam
Lễ hội Darwin là dịp đặc biệt để Australia tôn vinh nghệ thuật của thổ dân bản địa và mọi dân tộc trên thế giới, từ âm nhạc, khiêu vũ, nhạc kịch, phim ảnh… Chúng tôi may mắn được đạo diễn nghệ thuật diễn xuất của lễ hội Felix Preval tạo điều kiện cho xem một trong những tiết mục được đánh giá là đặc sắc nhất mùa lễ hội năm nay: Tiết mục của nghệ sĩ người Campuchia. Tiết mục này làm anh bạn nhà báo người Campuchia EangMeng Leng của báo Koh Santepheap phấn khởi nói với chúng tôi: “Đa văn hóa là đây mà!”.
Australia không có nền ẩm thực truyền thống nhưng đất nước này có hầu hết các món ăn đặc trưng của thế giới, nhờ nguồn di dân đến từ châu Á, châu Âu… Có một chuyện khá hài hước liên quan đến đa văn hóa trong ẩm thực, đó là khi chúng tôi tình cờ vào một nhà hàng ở Australia và thấy người phục vụ chủ động giới thiệu và hướng dẫn thực khách bàn bên cạnh cách gọi tên món Phở của Việt Nam. Chỉ cần phát âm tên món ăn này bằng cách phát âm từ Fur (có nghĩa là “lông”), họ sẽ hiểu thực khách gọi món Phở. Thoạt đầu tôi thấy buồn cười, nhưng phải thừa nhận đây là một trong những cách giúp thực khách tiếp cận món ăn thông minh nhất. Trong bữa ăn trưa thân mật với chúng tôi, đạo diễn Felix Preval cũng bật mí rằng có những món ăn mà anh không biết nó xuất xứ từ Australia hay từ đâu. Đó là “tình trạng nhầm lẫn chung” của các quốc gia đa văn hóa và điều này cũng là minh chứng cho sự hòa nhập của ẩm thực trong xã hội đa văn hóa.
Nền văn hóa đa dạng của Australia là một trong những đặc tính hình thành nên Australia. Trong đó, nền văn hóa của người dân bản địa (hiện chỉ còn khoảng hơn 460.000 người và ngày càng trở nên đô thị hóa với 2/3 đang sống tại các thành phố) giúp tạo nên tinh thần và bản sắc dân tộc độc đáo. Mặc dù thế hệ trẻ người bản địa ngày nay có xu hướng hướng đến lối sống theo kiểu của phương Tây, nhưng Chính phủ Australia vẫn tạo điều kiện cho người bản xứ có ý thức bảo tồn nền văn hóa đặc sắc của riêng mình.
Đài phát thanh - truyền hình bản địa Australia (ABA) ở vùng Northern Territory là minh chứng cho nỗ lực của chính phủ nhằm giúp người bản địa nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của nền văn hóa độc đáo và lâu đời nhất nước Australia. Ở đây có 4 trạm phát thanh và 4 trạm truyền hình, phát 27 thứ tiếng. Nhân viên chỉ có khoảng 10 người, phần lớn là người bản địa. Tại ABA, cũng có một phát thanh viên người Việt Nam. Ngoài thông tin liên quan đến Australia và thế giới, ABA được phát thông tin riêng, các chương trình, tiết mục cho cộng đồng bản địa để gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa không bị mai một. Khác với những tòa soạn hay cơ quan truyền thông mà tôi đã từng tham quan, điều gây ấn tượng nhất đối với những người làm báo như chúng tôi là không hề thấy những xấp bản thảo bằng giấy nào tại ABA. Tất cả các quy trình đều được công nghệ thông tin hóa.
Trong khuôn khổ một bài viết thật khó để đề cập hết lợi ích của đa văn hóa mang lại cho nền kinh tế nước này. “Australia là xã hội đa văn hóa thành công nhất thế giới” - tôi và nhiều người cũng tin khẳng định này của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vì trong tuyên ngôn “Một Australia Đa văn hóa - Đoàn kết, Mạnh mẽ, Thành công” vừa được công bố vào tháng 3-2017, ông Malcolm Turnbull đã đề ra chiến lược cho Australia trong những năm tới, để khẳng định lại cam kết của chính phủ về một Australia đa văn hóa, một đất nước không có chỗ cho sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử.