Australia công bố Sách Trắng mới

Ngày 23-11, Chính phủ Australia đã công bố Sách Trắng về chính sách đối ngoại đầu tiên của nước này trong 14 năm qua, trong đó nhấn mạnh mối liên minh với Mỹ và tiếp tục thúc đẩy các thỏa thuận tự do thương mại. 

 

 

Mỹ và Australia tập trận để khẳng định liên minh tại châu Á
Mỹ và Australia tập trận để khẳng định liên minh tại châu Á
Thay đổi lớn

Sách Trắng đối ngoại lần gần đây nhất được Australia ban hành là vào năm 2003, sau vụ tấn công khủng bố ở Bali (Indonesia) và sự kiện 11-9 ở Mỹ. Sách Trắng lần này nêu rõ những thay đổi to lớn và một kỷ nguyên mới đang hình thành trên khắp thế giới, trong đó có nêu cả trường hợp nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và sự phát triển kinh tế ở châu Á lẫn châu Âu sau sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit. 

Văn bản này cũng đề cập đến những mối đe dọa an ninh cụ thể. Australia đang đối mặt với các mối đe dọa từ lực lượng quân đội Trung Quốc đang ngày một lớn mạnh và hơn 200 phần tử khủng bố người Australia đang tham chiến tại các khu vực xung đột trên khắp thế giới, trong số đó nhiều người được cho là sẽ quay về quê hương. Tài liệu cũng cảnh báo những tiến bộ kỹ thuật đang tạo điều kiện cho những kẻ khủng bố tiếp cận các vũ khí tiên tiến, thực hiện các vụ tấn công mạng, biến đổi khí hậu và vũ khí hủy diệt hàng loạt… 

Mặc dù đưa ra cảnh báo Australia không nên dựa vào các nước khác về an ninh, song trong Sách Trắng, Canberra bày tỏ mong muốn Washington vẫn nên duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu và khẳng định liên minh với Mỹ vẫn là nguyên tắc căn bản của an ninh Australia, cần mở rộng và làm sâu sắc hơn. Sách Trắng dự báo Mỹ sẽ vẫn duy trì được sự vượt trội về quân sự trên thế giới trong thời gian trước mắt. 

Mặc dù không dự báo viễn cảnh sức mạnh quân đội Trung Quốc sẽ vượt qua quân đội Mỹ, song Sách Trắng cảnh báo những thách thức nổi lên từ sự cạnh tranh giữa hai cường quốc này. Hãng tin Daily Telegraph nhận định, các nhà hoạch định chính sách Australia cho rằng, nếu Mỹ rút khỏi mạng lưới các liên minh mà Washington đã gây dựng trên khắp châu Á, hay rút các tàu sân bay và tầu ngầm khỏi khu vực Thái Bình Dương thì sẽ dẫn đến nguy cơ bùng nổ xung đột, khiến toàn bộ khu vực trở nên khó đoán định và nguy hiểm hơn.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Australia về Trung Quốc trên thế giới thuộc Đại học Quốc gia Australia Jane Golley, việc bỏ từ “châu Á” khỏi cụm từ “châu Á - Thái Bình Dương” đã phá bỏ nỗ lực ngoại giao 3 thập kỷ khi đề cập tới việc sử dụng cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, cụm từ xuất hiện đến 120 lần trong Sách Trắng, với mục đích hạ thấp tầm ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc.


Cải thiện vị trí cạnh tranh của Australia


Trong quan hệ với Trung Quốc, Sách Trắng về đối ngoại của Australia đề cập nhiều đến cách hình thành mối quan hệ với Bắc Kinh sau hai thập kỷ kinh tế Australia dựa nhiều vào thị trường đông dân nhất thế giới này. Sách Trắng kêu gọi sự cần thiết duy trì mối quan hệ sâu rộng với Trung Quốc, hướng đi để chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull có thể nâng kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 337 tỷ AUD năm 2016 với mục tiêu cải thiện vị trí cạnh tranh của Australia, mở ra những cơ hội thương mại mới và giúp thúc đẩy kinh tế thông qua các thỏa thuận tự do thương mại song phương và khu vực. 
Australia hiện là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về than và quặng sắt, đồng thời là một trong những nước xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới. Ngoài ra, nước này cũng nằm trong tốp 10 nước xuất khẩu hàng nông sản và đứng thứ 3 thế giới về cung cấp giáo dục cho sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, hiện Australia mới có thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với ASEAN và 9 nước khác, trong khi các thỏa thuận cạnh tranh hơn đã được nhất trí trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vẫn chưa được hoàn tất.

Tin cùng chuyên mục