Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ khai thác, Tổng cục Thủy sản, đã thông tin đến ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) những điểm mới trong Luật thủy sản năm 2017. Theo đó, đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác hải sản, mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với cá nhân là 1 tỷ đồng. Như vậy, mức phạt đã được quy định tăng lên gấp 10 lần so với mức phạt đã quy định trước đó. Đồng thời, nếu tàu cá vi phạm thì chủ tàu, thuyền trưởng sẽ bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn.
Đối với các loài hải sản có khả năng khai thác cạn kiệt, ảnh hưởng đến sự phát triển san hô, môi trường biển, từ tháng 12-2017, Bộ NN-PTNT đã ra quy định cấm khai thác, sử dụng, thu mua hải sâm.
Ông Brendan Rayner, Trưởng Bộ phận chấp pháp Quốc tế, Cơ quan quản lý Thủy sản Australia, cho hay, Australia rất đồng quan điểm với Việt Nam trước quy định mới cấm khai thác, sử dụng, thu mua hải sâm.
Theo ông, tại Australia, đánh bắt hải sâm phải được cấp phép từ các cơ quan pháp lý. Tuy nhiên việc cấp phép cũng rất hạn chế và quy định rõ ràng khu vực được phép khai thác, bởi hải sâm có tác dụng rất lớn trong tái tạo rạn san hô.
Ông Brendan Rayner cũng đưa ra ví dụ về loài sò tai tượng. Ông cho biết, năm 2014 nhiều tàu cá Quảng Ngãi đã sang vùng biển Australia đánh bắt sò tai tượng với số lượng lớn. Hiện nay, tại Australia, các nhà chức trách, nhà nghiên cứu cho rằng, họ đã không tìm thấy một số loài sò tai tượng và loài sò này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Australia đã dựng những tấm bia ghi tên các loài sò tai tượng để ghi nhớ rằng một số loài đã biến mất.
Ông Brendan Rayner cũng đã chia sẻ với ngư dân về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và xử lý vi phạm trong khai thác hải sản tại Australia.
Ông cho biết, ngư dân nếu vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác hải sản nói chung và tại Australia nói riêng, ngoài các biện pháp xử lý như phạt tiền, giam giữ, thì ngư dân sẽ bị ghi tiền án tiền sự tại Australia vì vi phạm pháp luật, sau này, ngư dân muốn qua Australia cũng sẽ không được cấp giấy tờ.
Điều đáng mừng là từ tháng 11-2017 cho đến nay, phía Australia không phát hiện trường hợp nào là tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển của Australia để khai thác hải sâm.
Từ ngày 24-8-2017, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp & Tài nguyên Autralia đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác chống đánh bắt cá bất hợp pháp, trong đó tập trung triển khai chiến dịch truyền thông cộng đồng về quy định quốc tế trong khai thác hải sản cũng như hậu quả của việc khai thác hải sản bất hợp pháp.
Để triển khai Bản ghi nhớ nêu trên, Tổng cục Thủy sản và Cơ quan Quản lý Thủy sản Australia đã tổ chức Hội thảo truyền thông về chống khai thác IUU với sự tham gia của cộng đồng ngư dân tại xã Bình Châu, Quảng Ngãi để cung cấp các thông tin, tuyên truyền cho cộng đồng ngư dân về luật pháp, quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Hội thảo truyền thông này đã đem lại kết quả rõ rệt. Phía Australia cũng đang tiến hành khảo sát sự hiểu biết của ngư dân đối với khai thác hải sản có trách nhiệm trên biển và các quy định trong chống khai thác IUU. Khảo sát này được tiến hành tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) và huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).