Diễn đàn hợp tác Á - Âu

ASEM

ASEM
  • Quá trình hình thành
ASEM ảnh 1

Hội nghị Á - Âu lần thứ nhất (gọi tắt là ASEM) tại thủ đô Băng Cốc - Thái Lan (1996).

Sau nhiều năm hội nhập của EU và ASEAN, cả châu Âu và châu Á đều nhận thức rõ về vai trò quan trọng của hợp tác kinh tế đối với việc bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực.

Bên cạnh đó, những đặc điểm có thể bổ sung cho nhau như giàu tài nguyên, lao động rẻ, thị trường tiềm năng của châu Á, tiềm lực mạnh về khoa học công nghệ, tài chính và kỹ năng quản lý của châu Âu đã đặt cơ sở vững chắc cho việc xây dựng một quan hệ Á-Âu mới.

Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Âu - Đông Á do Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức vào tháng 9-1994 tại Singapore, ý tưởng về ASEM được hình thành và được Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong tiếp tục phát triển và thảo luận cùng Thủ tướng Pháp Edouard Balladur trong chuyến thăm nước Pháp vào tháng 10-1994.

Sau đó, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Thủ tướng Pháp, cuộc họp của Hội đồng EU về những vấn đề chung ngày 24-1-1995 đã bày tỏ mối quan tâm về vấn đề này và cuộc họp ngày 6-3-1995 đã nhất trí trao cho Chủ tịch Hội đồng và Ủy ban châu Âu nhiệm vụ chuẩn bị.

Đến tháng 6 cùng năm, hội nghị của hội đồng đã thông qua kế hoạch này.
Về phía châu Á, Singapore đã đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các thành viên của ASEAN và 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thực hiện ý tưởng đối thoại Á-Âu. Tháng 3-1995, Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN đã thông qua văn bản trình bày quan điểm của ASEAN về vấn đề này và chuyển cho EU. Đầu tháng 5-1995, Hội nghị quan chức cấp cao EU-ASEAN tổ chức tại Singapore đã thảo luận và thông qua quan điểm của ASEAN.

Trong hai ngày 1 và 2-3-1996, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu được chính thức thành lập tại Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ nhất tại Bangkok (Thái Lan).

  • Những nét cơ bản về ASEM

ASEM có 26 thành viên sáng lập, gồm: 7 nước ASEAN (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), 3 nước Đông-Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), 15 nước thuộc EU (Anh, Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Ireland, Italia, Luxembourg, Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển) và Ủy ban châu Âu (EC).
Tổng dân số của các nước ASEM khoảng 2,3 tỷ người, chiếm khoảng 37% dân số thế giới. Tổng thu nhập quốc dân (GDP) của các nước này lên đến trên 15.000 tỷ USD, chiếm khoảng 50% GDP toàn cầu; tổng thương mại hàng hóa đạt trên 2.700 tỷ USD, chiếm khoảng 44% thương mại thế giới.

Thể thức cao nhất của ASEM là Hội nghị Cấp cao tổ chức hai năm một lần, luân phiên ở châu Á và châu Âu. Tiếp đến là các hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Tài chính được tổ chức hàng năm. Hội nghị cấp Bộ trưởng thuộc các lĩnh vực khác sẽ họp khi cần thiết. Đến nay, đã có Hội nghị Bộ trưởng về Khoa học Công nghệ-Môi trường, các vấn đề di cư, văn hóa và văn minh, nông nghiệp...

Về cơ chế hoạt động, các Bộ trưởng và Thứ trưởng Ngoại giao chịu trách nhiệm điều phối chung toàn bộ hoạt động của ASEM. Các bộ trưởng kinh tế và các quan chức cao cấp thương mại và đầu tư, các bộ trưởng và thứ trưởng các ngành điều phối hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể mình phụ trách.

Về cơ chế điều phối, ASEM không thành lập ban thư ký thường trực, mà hoạt động theo cơ chế điều phối viên hợp tác thường xuyên thông qua hai đại diện của châu Á (một nước ASEAN, hiện nay là Việt Nam và một nước Đông Bắc Á, hiện là Nhật Bản) và hai đại diện của châu Âu (gồm điều phối viên thường xuyên EC và nước chủ tịch đương nhiệm của EU).
Về nguyên tắc hoạt động, ASEM là một diễn đàn đối thoại không chính thức, không thể chế, đồng thuận, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

  • Các Hội nghị Cấp cao ASEM

Cho đến nay, đã có 4 hội nghị cấp cao ASEM.

ASEM 1, tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) trong hai ngày 1 và 2-3-1996, đã chính thức thành lập thể chế hợp tác thường xuyên giữa 25 nước Á-Âu thành viên và quyết định lấy tên là Diễn đàn Hợp tác Á-Âu. Hội nghị đã thỏa thuận tiến hành 17 hoạt động cụ thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, hải quan, môi trường, ngoại giao. Tại đây, một số dự án đã được nhất trí tiến hành như xây dựng hệ thống đường sắt xuyên Á, kế hoạch hợp tác tiểu vùng Mekong, xây dựng Trung tâm Công nghệ-Môi trường Á-Âu.

ASEM 2, diễn ra trong hai ngày 3 và 4-4-1998 tại London (Anh), tiếp tục thúc đẩy hợp tác và đặt cơ sở cho quan hệ đối tác giữa các thành viên trong thế kỷ 21. Hội nghị lần này đã thông qua 6 văn kiện hợp tác lớn như: Khuôn khổ hợp tác Á-Âu, Kế hoạch hành động xúc tiến đầu tư, Kế hoạch hành động xúc tiến thương mại... Ngoài ra, hội nghị cũng thông qua 8 sáng kiến mới và ghi nhận 11  sáng kiến khác về mở rộng khả năng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, phúc lợi trẻ em, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

ASEM 3, được tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) trong hai ngày 20 và 21-10-2000 với chủ đề “Quan hệ đối tác vì phồn vinh và ổn định trong Thiên niên kỷ mới”. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề: Thúc đẩy đối thoại chính trị, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, thúc đẩy hợp tác giáo dục, tri thức, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ phúc lợi phụ nữ và trẻ em... Ngoài việc thông qua những tuyên bố về hợp tác Á-Âu, hội nghị lần này đã thông qua “Tuyên bố Seoul về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.

ASEM 4, được tổ chức tại Copenhague (Đan Mạch) từ ngày 22 đến 24-9-2002 với chủ đề chính là tăng cường hợp tác Á-Âu về chính trị và an ninh. Ngoài những chương trình hợp tác về kinh tế, thương mại, hội nghị đã thảo luận về tình hình thế giới sau “Sự kiện 11-9” và những vấn đề an ninh mới, những ưu tiên về kinh tế và tài chính khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bên cạnh những tuyên bố thường kỳ, “Tuyên bố của hội nghị về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” và đặc biệt “Tuyên bố của hội nghị về chống khủng bố” đã được thông qua tại đây.

Tại Hội nghị Cấp cao lần này, Việt Nam được tín nhiệm đề nghị đăng cai tổ chức ASEM 5. Và chủ đề “Tiến tới quan hệ đối tác Á-Âu sống động và thực chất hơn” cho ASEM 5 do Việt Nam đề nghị đã được nhất trí thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ASEM hồi tháng 7-2003.

Phượng Lam (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục