Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các nước thành viên ASEAN cùng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã nhất trí cần thúc đẩy cải cách cơ cấu nhằm tháo gỡ các trở ngại đối với tăng trưởng bền vững, đồng thời cảnh báo trước những rủi ro bắt nguồn từ sự thất thoát vốn quy mô lớn.
Tăng đề kháng rủi ro
Cam kết trên được đưa ra trong cuộc gặp bên lề hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Trong tuyên bố chung tại cuộc gặp, các đại biểu ASEAN+3 khẳng định các nền kinh tế năm nay sẵn sàng duy trì đà tăng trưởng tương đối cao của năm ngoái. Trong khi tái khẳng định cam kết tiến hành các hoạt động điều chỉnh cơ cấu cần thiết, các đại biểu cũng cảnh báo về khả năng giá dầu tăng mạnh và sự thất thoát vốn giữa lúc môi trường kinh tế toàn cầu thay đổi. Để đối phó với những rủi ro này, các quan chức đứng đầu ngành tài chính kêu gọi thực hiện các biện pháp chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp, được hỗ trợ bởi các biện pháp điều tiết an toàn vĩ mô và quản lý dòng vốn, cùng với hoạt động hợp tác tài chính không ngừng trong khu vực.
Các đại biểu tại cuộc họp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính II Malaysia, Ahmad Husni Hanadzlah - người đồng chủ trì Hội nghị AFMGM+3 cùng với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Kyunghwan Choi, cho biết khu vực ASEAN+3 có mức tăng trưởng khá cao trong năm 2014 là 5,7% so với 5,4% trong năm 2013, và có cơ sở để duy trì đà này trong năm 2015.
Về những ưu tiên trong tương lai, ông Choi cho biết, Hội nghị AFMGM+3 ghi nhận việc hoàn thành các nghiên cứu về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, và hoan nghênh việc bảo hiểm rủi ro thiên tai, và những tiến bộ trong nghiên cứu về sử dụng công cụ hoán đổi tiền tệ, tạo thuận lợi cho việc sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại trong khu vực
Ngăn rối loạn tài chính
Cùng lúc này, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đạt thỏa thuận về hợp tác để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các chính sách tiền tệ mở rộng của mỗi nước, đồng thời nhấn mạnh chính sách này cần phải được quyết định thận trọng và chia sẻ với những nước còn lại một cách minh bạch. Ba nước đạt được nhất trí trên sau cuộc họp riêng giữa Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Kyung-hwan với hai người đồng cấp Trung Quốc Lâu Kế Vĩ và Nhật Bản Taro Aso tại thủ đô Baku. Cả 3 bộ trưởng cũng nhất trí cho rằng cần theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô để đối phó với rủi ro phát sinh từ tình trạng biến động nhanh của luồng vốn hiện nay; thúc đẩy quốc hội ba nước nhanh chóng phê chuẩn thỏa thuận thiết lập Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), được ký kết tháng 10 năm ngoái. Đây được coi là công cụ thiết yếu cho hoạt động của mạng lưới an toàn tài chính khu vực được thiết lập theo Sáng kiến Chiang Mai về đa phương hóa năm 2010, theo đó các nước châu Á tham gia sáng kiến này sẽ cùng nhau góp vốn để lập quỹ trị giá 120 tỷ USD và có quyền huy động tiền từ quỹ này khi xảy ra khủng hoảng tài chính để ngăn ngừa tình trạng rối loạn tài chính ở châu Á.
Liên quan đến việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu, một nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh ngày 4-5 tiết lộ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu sẽ dùng USD làm đồng tiền cho các giao dịch của mình. Nguồn tin giấu tên trên cho biết thêm, 57 thành viên đã nhất trí nâng số vốn ban đầu của AIIB lên 100 tỷ USD thay vì 50 tỷ USD như dự kiến ban đầu. Theo nguồn tin này, các thành viên của ngân hàng đã thống nhất rằng đồng USD sẽ được nêu rõ trong điều lệ của AIIB là đồng tiền để thanh toán trong các giao dịch và Trung Quốc cũng không có ý định phản đối điều này. Nguồn tin trên cũng cho biết mặc dù chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng, các thành viên châu Á của AIIB, gồm cả Nga, sẽ đóng góp 75% số vốn và 25% còn lại sẽ do các thành viên không thuộc châu Á đóng góp.
VIỆT ANH (tổng hợp)