Mỹ: Đối tác an ninh và kinh tế
Vào ngày 4-11-2019, Cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Robert O'Brien, đã chuyển lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới các nhà lãnh đạo ASEAN đến tham dự hội nghị "thượng đỉnh đặc biệt" Mỹ-ASEAN tại Mỹ vào năm 2020. Động thái này được giới quan sát nhìn nhận như chỉ dấu cho thấy tiểu vùng này vẫn là khu vực quan trọng trong các sách lược của cường quốc số một thế giới.
Mỹ đang định hướng lại chính sách đối ngoại bằng cách tập trung hẹp hơn vào lợi ích của Mỹ theo phương châm "Nước Mỹ trước tiên" - thể hiện cả trong sách lược xuyên quốc gia, đơn phương và song phương. Quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ đã tạo ra làn sóng bất ổn về kinh tế và chiến lược trên khắp châu Á. Nó cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, theo tạp chí Nhà Ngoại giao (The Diplomat), Mỹ vẫn cần ASEAN trong chiến lược mới của họ về châu Á.
ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Á và lớn thứ 7 trên thế giới, được đánh giá rất quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á, đóng vai trò an ninh quan trọng thông qua việc thúc đẩy niềm tin, sự tin tưởng giữa các quốc gia, tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại và hiểu biết lẫn nhau và ngăn ngừa xung đột. Theo Diplomat, chính quyền Trump đã bắt đầu nhận ra vai trò liên quan của ASEAN trong vấn đề an ninh khu vực, nhưng "sẽ là sai lầm nếu Mỹ không chú ý đến vai trò kinh tế của ASEAN trong chiến lược Washington châu Á".
Các quốc gia thành viên ASEAN xác định lợi ích quốc gia chủ yếu về phát triển kinh tế. Họ muốn có chủ nghĩa khu vực toàn diện và cởi mở, trong đó tất cả quốc gia có thể hưởng lợi từ sự hợp tác và hội nhập khu vực. Do đó, chính sách tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ cần nhấn mạnh các cơ hội kinh tế cho người dân ASEAN.
"Để duy trì quyền lực thường xuyên tại châu Á-Thái Bình Dương, ngoài việc tăng cường hệ thống liên minh, Mỹ cần chủ động và mạnh mẽ tham gia ASEAN. Với tương lai ngày càng đan xen với ASEAN, Mỹ phải duy trì động lực tái cân bằng của mình đối với khu vực này, tập trung vào 3 trụ cột: mạng lưới an ninh toàn diện; hội nhập và kết nối kinh tế; quyền lực mềm và quan hệ con người" - Diplomat viết.
Trong tuyên bố Sunnyland năm 2016, Mỹ và ASEAN cam kết tuân thủ chặt chẽ trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ, bảo vệ quyền và đặc quyền của tất cả các nước. Mỹ phải tiếp tục củng cố chủ nghĩa đa phương bằng cách hỗ trợ các thể chế khu vực do ASEAN lãnh đạo như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Plus (ADMM Plus) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Mỹ cũng cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể hơn để hỗ trợ ASEAN hiện thực hóa Tầm nhìn 2025…
Trung Quốc: Đối tác và đối đầu
Với các tranh chấp biển Đông giữa Bắc Kinh và các nước ASEAN chưa được giải quyết, Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế, đồng thời là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực. Thực tế, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN coi Trung Quốc là đối tác đối thoại quan trọng nhất của nhóm 10 quốc gia. Tuy nhiên, cuộc đối thoại ngày càng được tiến hành dưới áp lực của Trung Quốc, đặc biệt về việc Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự tại các khu vực tranh chấp ở biển Đông.
Thí dụ, hải quân Trung Quốc gần đây ra mắt tàu chiến đổ bộ sàn lớn, tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường mới, và tin đồn về một hạm đội tàu sân bay lớn hơn, có khả năng hơn, đóng vai trò là chất xúc tác cho cạnh tranh khu vực. Nước này cũng cho xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt thiết bị quân sự ở vùng biển tranh chấp.
Để đối phó với sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp, Nhật Bản đã bán tàu và thiết bị quân sự cho Philippines để cải thiện năng lực an ninh hàng hải. Thay vì sử dụng sự ép buộc trực tiếp, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử hàng hải (COC) với ASEAN, buộc các bên tham gia các kế hoạch thăm dò chung với Bắc Kinh.
Điều này đặt ra thách thức khác cho ASEAN để có lập trường thống nhất và mạnh mẽ chống lại sự chia rẽ và chiến lược cai trị của Trung Quốc. Đàm phán COC sẽ là quá trình dài và sự thống nhất ASEAN sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt xuyên suốt.
Về thương mại, các nhà lãnh đạo ASEAN mong muốn hoàn tất đàm phán hiệp ước thương mại tự do 16 quốc gia RCEP, bao gồm Trung Quốc nhưng không có Mỹ, và như vậy sẽ rất khó khăn cho khối để duy trì sự cân bằng giữa 2 siêu cường kinh tế. ASEAN đang chịu áp lực bất thường do sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sự thoải mái trước đây khi Trung Quốc là đối tác kinh tế và Mỹ là đối tác an ninh không còn, ASEAN sẽ cần đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc. Cân bằng lợi ích kinh tế to lớn từ thương mại, đồng thời mối đe dọa hàng hải to lớn từ người hàng xóm khổng lồ là điều không dễ dàng.
Nhật Bản: Đối tác tin cậy
Khi Mỹ rút khỏi TPP năm 2017, các bên ký kết còn lại được sự dẫn dắt kiên định của Nhật Bản, đã đồng ý về một TPP sửa đổi, toàn diện gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP hiện có 11 thành viên, bao gồm một số thành viên của ASEAN. Sự thành công của CPTPP đã khuyến khích Hàn Quốc, các thành viên khác của ASEAN và thậm chí cả Vương quốc Anh xem xét tham gia CPTPP. Một cột mốc quan trọng khác là Tokyo đạt được Thỏa thuận đối tác kinh tế Nhật Bản - Liên minh châu Âu (EPA), có hiệu lực ngày 1-2-2019.
Chính phủ Nhật Bản ước tính CPTPP và EPA sẽ đóng góp 750.000 việc làm, thêm 7,8 tỷ USD và 5,2 tỷ USD cho nền kinh tế Nhật Bản. Lợi ích của Nhật Bản và khu vực có thể được phục vụ tốt hơn, thông qua sự đóng góp của Nhật Bản trong ít nhất 5 lĩnh vực cùng có lợi.
Điều này có thể được thực hiện bằng cách giải quyết các thách thức về thương mại tự do, thúc đẩy toàn cầu hóa hơn nữa với tăng trưởng kinh tế chất lượng và tham gia kết nối thông qua tăng cường hội nhập kinh tế khu vực. Các tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản đã có sự hiện diện lớn và mạnh mẽ tại ASEAN trong những năm 1980 và 1990, tạo ra việc làm và cung cấp đào tạo tại chỗ tuyệt vời.
Nhật Bản cũng là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN, nhưng đã tụt xuống vị trí thứ 4. Vì thế, sự trở lại chiến lược của Nhật Bản đối với ASEAN có thể làm giảm sự phụ thuộc quá mức của Nhật Bản vào các cơ sở sản xuất và thị trường ở Trung Quốc.
EU: Ít liên quan chính trị
Mối quan hệ giữa EU và ASEAN bắt đầu từ năm 1972, tạo thành một trong những mối quan hệ giữa các khối lâu đời nhất. Mặc dù có nhiều khó khăn khác nhau, mối quan hệ EU-ASEAN đang trên quỹ đạo tích cực và có nhiều việc 2 khối có thể làm để tăng cường quan hệ đối tác và đóng góp cho châu Á - Thái Bình Dương ổn định hơn.
Trong thông báo chung gần đây nhất từ Ủy ban và Hội đồng châu Âu về "EU và ASEAN: Quan hệ đối tác chiến lược", EU đã thừa nhận tầm quan trọng của ASEAN mạnh mẽ, gắn kết và tự tin đối với sự ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nhiều dự án được hỗ trợ bởi các quỹ phát triển từ EU có thể giải quyết được các vấn đề thực tế của ASEAN để tăng cường hội nhập, đặc biệt là thuận lợi hóa thương mại, tuân thủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và dược phẩm.
Các chương trình cũng được thiết kế để giúp ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên, thúc đẩy kết nối và giải quyết một số mối đe dọa. Sự hiện diện của EU trong khu vực được thúc đẩy về mặt kinh tế, không có yếu tố địa chính trị mạnh mẽ. EU coi thương mại và đầu tư gia tăng với ASEAN là cơ hội để vực dậy nền kinh tế trì trệ.
Bằng cách gắn kết sâu sắc hơn với nhau trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, cả EU và ASEAN có thể giúp ngăn chặn thái độ tiêu cực ngày càng tăng đối với toàn cầu hóa và thương mại tự do.
Một quan hệ đối tác thành công giữa EU và ASEAN có thể mang lại lợi ích kinh tế-xã hội và cơ hội tốt hơn cho người dân châu Âu và Đông Nam Á, hy vọng sẽ cung cấp một lực lượng chống lại các chính sách cô lập hướng nội. Bất chấp những thách thức phải đối mặt, EU và ASEAN vẫn là 2 khu vực có liên quan đến các khu vực tương ứng. EU đã gắn kết hòa bình và ổn định ở châu Âu trong hơn 60 năm.
ASEAN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin với EU trong chính sách đối ngoại của họ trước các cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nga: Thế lực trung lập
Từ năm 2014, khi quan hệ với phương Tây xấu đi, Nga đã thực hiện các bước để tăng cường cam kết với châu Á. Điều này bao gồm Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF), ký kết các hiệp định thương mại Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) với Việt Nam, Trung Quốc và Singapore, cũng như chiến dịch mở rộng SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải).
Triển vọng hợp tác giữa SCO và ASEAN đang được thảo luận và Moscow tập trung vào việc đẩy mạnh hơn nữa khái niệm về Đại Âu Á. Ngoài các diễn đàn đa phương, Nga cũng đã tìm cách để tăng cường sự tham gia song phương với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Quan hệ thương mại song phương của Nga với 10 quốc gia ASEAN đạt con số lũy kế 19,9 tỷ USD vào năm 2018. Tuy nhiên, sự tham gia kinh tế của Nga với khu vực bị cản trở do thiếu đa dạng hóa nền kinh tế.
Chủ yếu, Nga dựa vào năng lượng - dầu, khí đốt và hạt nhân - và xuất khẩu vũ khí để xây dựng quan hệ đối tác trên toàn thế giới. Riêng dầu và khí đốt, 31% xuất khẩu dầu thô của Nga đi về phía Đông, tăng 36% trong năm 2018. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước nhận dầu thô chính của Nga, trong khi Đông Nam Á tụt lại. Nga đặc biệt yếu trong các mối quan hệ kinh tế và mạng lưới quốc phòng ở Đông Nam Á.
Do ASEAN coi Mỹ là đối trọng an ninh quan trọng với Trung Quốc, nên những rắc rối của Nga với Mỹ trong Chiến tranh Lạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự hợp tác của họ với ASEAN. Nga sẽ phải cải thiện đáng kể quan hệ kinh tế và quốc phòng trong khu vực, đồng thời cải thiện quan hệ với các cường quốc khác trong khu vực, nếu muốn thuyết phục Đông Nam Á về cam kết lâu dài với tiểu vùng.
Sự nỗ lực của Nga trong cải thiện quan hệ song phương cũng như tham gia nhiều hơn vào các cam kết đa phương là sự phát triển đáng hoan nghênh.
ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ và Mỹ là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào ASEAN.