Ký thêm nhiều TAC
AMM-55 và các cuộc họp liên quan trong thời gian trên là Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Hội nghị giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đại diện của Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Hội nghị AMM lần thứ 55, Hội nghị ASEAN+3 (APT) lần thứ 23, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 12 và Diễn đàn khu vực (ARF) lần thứ 29. Bên lề AMM-55, các bộ trưởng ngoại giao và Tổng Thư ký ASEAN sẽ chứng kiến Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất ký văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và tham dự lễ trao giải ASEAN Prize 2021.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia kiêm Chủ tịch Ban Thư ký AMM-55 Luy David cho biết, đây là lần thứ hai Myanmar không cử đại diện phi chính trị tham dự các cuộc họp tại Campuchia. Ngoài các đối tác đối thoại và 6 quốc gia gia nhập TAC, 4 quốc gia khác được mời với tư cách là khách mời của Chủ tịch ASEAN 2022, gồm: Papua New Guinea, Morocco, Timor-Leste và Azerbaijan.
Thúc đẩy ký kết COC
Với tư cách là nước chủ nhà AMM-55 và là Chủ tịch ASEAN năm 2022, Campuchia cho rằng, đã đến lúc phải chuyển Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin AKP (Hãng thông tấn quốc gia Campuchia) ngày 21-7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn cho rằng, cần phải có COC để tránh xảy ra vi phạm và đối đầu giữa tất cả các nước liên quan. Trước đó, DOC được ASEAN và Trung Quốc ký vào tháng 11-2002, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc chấp nhận một thỏa thuận đa phương về vấn đề này.
Ông Prak Sokhonn khẳng định, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Campuchia cam kết giải quyết những vấn đề tồn đọng trong khu vực liên quan đến Biển Đông. Năm nay đánh dấu 20 năm DOC được ký kết tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia và DOC này đã đủ lâu để biến thành COC vì hòa bình và ổn định của khu vực. COC có thể đã được thống nhất trong những năm trước, nhưng đã bị trì hoãn vì các quốc gia đang bận rộn với cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Theo Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), trong Hội thảo kỷ niệm 20 năm DOC do Trung Quốc tổ chức vào ngày 25-7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng hòa bình, ổn định ở Biển Đông là tiền đề của sự phát triển tại khu vực; đồng thời đề nghị các bên tiếp tục duy trì hòa bình, hợp tác trên biển, thúc đẩy đàm phán, sớm đạt được COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Các quan chức Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã ca ngợi DOC là một văn kiện quan trọng mang tính bước ngoặt đóng vai trò to lớn trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong 20 năm qua.