Gia tăng áp lực
Ngày 4-3, Channel News Asia đưa tin, cảnh sát đã nổ súng và sử dụng hơi cay để giải tán các cuộc biểu tình ở Yangon, thị trấn trung tâm Monywa, thị trấn Pathein, phía Tây Yangon. Tại một số khu vực của Yangon, những người biểu tình treo drap trải giường trên đường phố để che khuất tầm nhìn của cảnh sát. Họ cũng vén dây thép gai để gia cố rào chắn. Hiện chưa có thông tin về thương vong.
Các nhà hoạt động Myanmar cùng ngày tuyên bố sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc biểu tình mới. Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ cho biết sẽ treo cờ rủ tại các văn phòng để tưởng nhớ 38 người thiệt mạng hôm 3-3.
Trước đó, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị các hành động bổ sung trong những ngày tới để chống lại những người đứng sau vụ đảo chính quân sự và trấn áp biểu tình ở Myanmar. Đây là động thái mới nhất trong loạt phản ứng của Mỹ đối với cuộc đảo chính ở Myanmar.
10 ngày sau cuộc đảo chính, Washington áp lệnh trừng phạt với Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing cùng một số tướng lĩnh quân đội khác. Tổng thống Joe Biden cũng ký một sắc lệnh hành pháp cho phép Bộ Tài chính nhắm vào cả con cái hoặc vợ/chồng của những người bị trừng phạt. Động thái này nhằm ngăn các tướng lĩnh Myanmar tiếp cận hơn 1 tỷ USD trong các quỹ của chính phủ nước này tại Mỹ. Các biện pháp trừng phạt cũng tác động tới các tập đoàn, doanh nghiệp do chính quyền quân sự kiểm soát.
Tìm giải pháp hòa giải
Tại Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các ngoại trưởng đã ra tuyên bố của Chủ tịch nêu rõ: “ASEAN luôn theo sát diễn biến tình hình của khu vực và nhất trí rằng sự ổn định chính trị của bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng là điều cần thiết để đạt được cộng đồng ASEAN hòa bình và ổn định và thịnh vượng chung. Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động bạo lực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại và mang tính xây dựng và hòa giải vì lợi ích của người dân và kế sinh nhai của họ. ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này sẵn sàng hợp tác với ASEAN để tìm ra một giải pháp hòa bình cho tình hình ở Myanmar.
Nhận xét về các lệnh trừng phạt của Mỹ, Tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại và là giám đốc Chương trình quản trị cho người Mỹ bản địa thuộc Đại học Claremont Graduate ở California, cho rằng biện pháp trừng phạt các tướng lĩnh quân đội Myanmar của Mỹ thường liên quan tới việc rút đầu tư từ quốc gia này, có thể khiến người dân địa phương mất việc.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt cần có thời gian để cho thấy hiệu quả hay không. Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, có chung nhận định này khi cho rằng lệnh trừng phạt đang đẩy Myanmar vào cảnh khó khăn hơn: “Lệnh trừng phạt sẽ khiến Myanmar thụt lùi hơn nữa so với các nước láng giềng, nhất là khi nhiều quốc gia trong khu vực đang dồn lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19”.
Đưa hơn 390 công dân từ Myanmar về Việt Nam Ngày 4-3, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Myanmar thực hiện 2 chuyến bay đưa hơn 390 công dân từ Myanmar về Việt Nam. Hành khách trên chuyến bay gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người có bệnh nền và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Trong bối cảnh diễn biến gần đây tại Myanmar và tình trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã theo dõi sát tình hình, giữ liên hệ chặt chẽ với các công dân, đưa ra những hướng dẫn cụ thể để công dân tới sân bay an toàn và đúng giờ. Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar cũng đã cử cán bộ trực tiếp ra sân bay hỗ trợ công dân hoàn thành các thủ tục cần thiết trước khi các máy bay cất cánh. Thời gian tới, việc đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước sẽ được sắp xếp theo nguyện vọng của công dân, phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước. THÀNH NAM |