Ưu tiên phục hồi
Kế hoạch hành động CLMV giai đoạn 2021-2022 tập trung vào các lĩnh vực: hợp tác thương mại và đầu tư, hoàn tất cam kết khu vực về phát triển khuôn khổ CLMV, hợp tác nhân lực và kế hoạch phục hồi kinh tế thời kỳ Covid-19.
Trước đó, các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận tiến trình triển khai kế hoạch hồi phục toàn diện và thực thi Kế hoạch hành động Hà Nội về hợp tác kinh tế trong khối ASEAN, cũng như mối liên kết chuỗi cung ứng ứng phó với dịch Covid-19. Mục tiêu nhằm giảm tác động của đại dịch Covid-19 tới kinh tế khu vực, tăng cường sự kết nối chuỗi nhằm đảm bảo sức mạnh và khả năng thích ứng của chuỗi trong tương lai.
Hội nghị còn thảo luận báo cáo của các quan chức kinh tế cao cấp (SEOM) trình lên các Bộ trưởng Kinh tế; bàn luận nội dung chuẩn bị cho đối thoại với hàng loạt đối tác của ASEAN cũng như với cộng đồng doanh nghiệp khu vực; chia sẻ quan điểm của các bộ trưởng về tiến trình cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...
Các bộ trưởng cũng xem xét, thảo luận và thông qua một số văn kiện chính do SEOM trình lên, trong đó có chỉ số hội nhập số ASEAN, tài liệu tham chiếu (TOR) về kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN, hướng dẫn thúc đẩy kinh doanh toàn diện trong ASEAN.
Đáng lưu ý, chỉ số hội nhập số ASEAN và tài liệu tham chiếu về kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN là 2 trong tổng số 13 sáng kiến ưu tiên của Việt Nam cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Các sáng kiến còn lại vẫn đang được Việt Nam tham vấn và thúc đẩy triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm 2020 theo kế hoạch đề ra.
Thúc đẩy hợp tác, tăng trưởng
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng tổ chức Hội nghị Tham vấn trực tuyến với 3 đối tác ngoại khối ở khu vực Đông Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại hội nghị, các bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Theo tuyên bố chung sau cuộc họp, các nước trong khối nhất trí cùng nỗ lực duy trì chuỗi nguồn cung và ổn định thị trường, cũng như tăng cường sức phục hồi của kinh tế tại khu vực Đông Á hậu đại dịch Covid-19, đưa ra các sáng kiến giúp đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế bền vững.
Trước đó, các bên cũng thảo luận việc tăng cường ứng dụng và tận dụng công nghệ số trong khu vực để thúc đẩy kinh tế số. Các bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố chuỗi nguồn cung khu vực, từ đó có thể thích ứng tốt hơn trước các cú sốc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Các bộ trưởng tái khẳng định cam kết thúc đẩy thương mại và đầu tư, giảm thiểu sự gián đoạn đối với thương mại và các chuỗi nguồn cung toàn cầu, tạo điều kiện cho việc kết nối chuỗi nguồn cung. Ngoài ra, các Bộ trưởng Kinh tế cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với quá trình cải cách cần thiết của WTO, tuyên bố sẽ tiếp tục phối hợp để đảm bảo môi trường thương mại tự do, công bằng, minh bạch và ổn định.
Với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN và Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), ngày 28-8, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN đã tổ chức Diễn đàn Kết nối ASEAN lần thứ 11. Trong 3 phiên thảo luận, các đại biểu chia sẻ về thông tin, kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành tập trung vào các chủ đề nêu trên, các biện pháp giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19 và phát triển các kế hoạch phục hồi hướng tới một ASEAN kết nối thông suốt. |