Quan hệ chiến lược quan trọng
Tại hội nghị, hai bên đã trao đổi về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực, định hướng quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ trong thời gian tới, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên, chống khủng bố và an ninh mạng. Thay mặt Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Tillerson tái khẳng định cam kết đối với khu vực, coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng; nhấn mạnh ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng của Hoa Kỳ; tiếp tục triển khai Sáng kiến kết nối ASEAN - Hoa Kỳ; khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng; khẳng định sẽ duy trì các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho thanh niên và phụ nữ ASEAN như Chương trình các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), học bổng Fulbright.
Trong khi đó, các nước ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ; hoan nghênh những bước đi gần đây của Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với ASEAN, trong đó có việc Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ dự các sự kiện của khu vực như Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam, Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ…
Tăng hợp tác mọi mặt
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng quan chức cấp cao của Việt Nam trong ASEAN (SOM ASEAN) Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, phát biểu đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác ASEAN - Hoa Kỳ giai đoạn tới, trong đó có phát triển các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME); thúc đẩy sáng tạo, kinh tế số, giao lưu nhân dân, hợp tác biển và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, an ninh mạng; đồng thời nhấn mạnh ưu tiên hợp tác bảo vệ nguồn nước sông Mekong và ứng phó với biến đổi khí hậu. Về biển Đông, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ lo ngại trước những diễn biến phức tạp tại khu vực này; nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông; khẳng định đây là mối quan tâm chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ; đề cao các nguyên tắc hai bên đã nhất trí tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ tại Sunnylands, bang California hồi tháng 2-2016.
Các nước cũng đã trao đổi về vấn đề biển Đông, bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp trên thực địa tại khu vực này, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông; nhấn mạnh thực hiện kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các tiến trình ngoại giao pháp lý trong khu vực; thực hiện đầy đủ về Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất khung Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC).
Nhật Bản đề nghị lập thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với ASEAN
Nhật Bản ngày 5-5 đã đề nghị với ASEAN lập một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương kiểu mới, cung cấp tới 40 tỷ USD, nhằm giải quyết các khó khăn thanh khoản ngắn hạn trong giai đoạn khủng hoảng. Đề xuất trên được Tokyo đưa ra tại cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương của Nhật Bản và ASEAN bên lề Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Yokohama, Nhật Bản. Tuyên bố chung sau cuộc họp cho biết, các nước được phép rút các quỹ bằng đồng yen theo các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương hiện hành.