Nhu cầu lớn
Kinh tế ASEAN đã phát triển nhanh chóng trong nhiều năm liền, kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng lớn. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, mức tiêu thụ năng lượng của ASEAN tăng 60% trong 15 năm qua. IEA dự báo nhu cầu năng lượng của ASEAN có thể tăng thêm 66% nữa vào năm 2040. Những điều trên đã khiến khu vực này hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng. Tuy nhiên, than đá hay khí tự nhiên không phải là nguồn nhiên liệu mà thế giới hướng tới, thay vào đó là nguồn năng lượng tái tạo. Vì vậy, nhiều nước Đông Nam Á đã triển khai hàng loạt biện pháp thúc đẩy phát triển và sử dụng năng luợng sạch và đây cũng là mục tiêu chung của ASEAN. Với chi phí sản xuất năng lượng tái tạo giảm nhờ các phương pháp như điện gió và Mặt trời, Đông Nam Á được cho là đang đứng trước cơ hội vàng để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng theo hướng hiệu quả về chi phí và bền vững.
Trong ASEAN, Thái Lan có lợi thế lớn về nguồn năng lượng Mặt trời. Theo thống kê thì các nguồn đầu tư kỷ lục đang đổ vào lĩnh vực này. Thành quả có được là nhờ chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo trong 2 thập niên của Chính phủ Thái Lan, trong đó có chương trình hỗ trợ thuế. Bộ Năng lượng Philippines đang tìm kiếm giải pháp tăng gấp 3 sản lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo lên đến 15.300 MW vào năm 2030, với các dự án địa nhiệt, năng lượng Mặt trời, gió và sinh khối với đóng góp khoảng 30% trong tổng năng lượng mới. Indonesia có tiềm năng đáng kể để phát triển năng lượng địa nhiệt vì nước này sở hữu tới 40% nguồn tài nguyên địa nhiệt trên toàn cầu. Ước tính, có khoảng 276 địa điểm sản xuất địa nhiệt trên toàn bộ lãnh thổ Indonesia. Trong khi đó, Malaysia hiện trở thành nhà sản xuất pin quang điện Mặt trời lớn thứ 3 thế giới.
Cần chính sách phát triển hợp lý
Hiện nay, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực vẫn cần nhiều chi phí để thực hiện đối với hầu hết quốc gia ASEAN. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Habibie, bên cạnh vấn đề tài chính - yếu tố quan trọng nhất để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, một số nước ASEAN vẫn chưa có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu kinh nghiệm lẫn năng lực chuyên môn trong việc đánh giá rủi ro đầu tư năng lượng tái tạo. Điều kiện địa lý, kỹ thuật, thiếu chính sách để quy định việc sử dụng đất hợp lý và tác động môi trường đối với dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn được thực hiện trong khu vực, cũng là thách thức không nhỏ. Việc thiếu khung pháp lý cũng là một rào cản lớn trong việc giới thiệu và phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Theo giới chuyên gia kinh tế, để phát triển nguồn năng lượng sạch, ASEAN cần khuyến khích tư nhân tăng đầu tư vào lĩnh vực này dựa trên chính sách ràng buộc hợp lý. Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á cho rằng, ASEAN cần đảm bảo môi trường ổn định và tích hợp giữa năng lượng, kinh tế và môi trường, giúp các nhà đầu tư yên tâm về chính sách và các ưu đãi rõ ràng, nhất quán của chính phủ. Ngoài ra, cũng cần một lộ trình cơ sở hạ tầng phát triển năng lượng sạch cấp khu vực cũng như cấp quốc gia; đẩy mạnh tính minh bạch của thị trường, hệ thống xếp hạng tín dụng và dữ liệu về đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng bằng cách hỗ trợ đối thoại công - tư thường xuyên.