Hạn chế rủi ro
Tại phiên đối thoại với lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO), lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế đã chia sẻ nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực ASEAN.
Theo các tổ chức tài chính quốc tế, các yếu tố xung đột địa chính trị tại châu Âu, giá dầu và các nguyên liệu tăng cao, sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và dòng thương mại, sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc là những yếu tố có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi của kinh tế khu vực. Các tổ chức tài chính quốc tế khuyến nghị các nước cần tiếp tục ưu tiên mở rộng bao phủ vaccine làm nền tảng cho phục hồi kinh tế bền vững, điều chỉnh chính sách phục hồi phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia. Trong dài hạn cần giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế, tiếp tục triển khai các chính sách tái cơ cấu, tăng đầu tư cho sức khỏe, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng xanh.
Các bộ trưởng và thống đốc đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác trong việc triển khai các mục tiêu hợp tác, như: phát triển mạng lưới hiệp định thuế song phương giữa các nước thành viên ASEAN lên đến 72 hiệp định; triển khai Chương trình doanh nghiệp ưu tiên ASEAN tại 7 nước thành viên; Chương trình trao đổi tờ khai hải quan điện tử ASEAN với 6 nước thành viên ASEAN. Hội nghị AFMGM hoan nghênh những tiến bộ nổi bật trong các sáng kiến tự do hóa dịch vụ tài chính, đặc biệt là việc khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada và đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand và đề nghị Ban Thư ký ASEAN phối hợp với các nước khẩn trương triển khai ký kết Nghị định thư thực hiện Gói 9 về tự do hóa dịch vụ tài chính trong thời gian phù hợp. Trên cơ sở đồng thuận chung, các bộ trưởng và thống đốc đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị AFMGM lần thứ 8.
Tại AFMGM, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine Covid-19, làm nền tảng cho việc phục hồi các hoạt động kinh tế… |
Tăng thịnh vượng chung
Cùng ngày, Ban Thư ký ASEAN phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (US-ABC) và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) chính thức ra mắt Học viện Doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN 2.0 (ASEAN SME Academy 2.0), phiên bản nâng cấp của nền tảng học tập trực tuyến.
Với mục tiêu tiếp cận và thúc đẩy quá trình phục hồi của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong khu vực, ASEAN SME Academy 2.0 giới thiệu nhiều tính năng mới bao gồm các khóa học bằng tiếng Bahasa Indonesia, tiếng Thái và tiếng Việt; các tính năng thiết kế trực quan hấp dẫn và nguồn học liệu chất lượng với các module về chủ đề khôi phục hậu Covid-19.
Mục tiêu chính của học viện là cung cấp nền tảng cho các MSME nhằm phát triển các kỹ năng kỹ thuật số. Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi khẳng định, số hóa là động lực mới cho tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh của mọi doanh nghiệp và mọi nền kinh tế. Về phần mình, Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành US-ABC, nhấn mạnh, ASEAN SME Academy 2.0 là kết quả hợp tác giữa khu vực tư nhân, Chính phủ Mỹ và ASEAN nhằm giúp trao quyền cho các doanh nghiệp nhỏ ở Đông Nam Á.