Những căng thẳng mới đây giữa Trung Quốc và Philippines tại đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) trở nên bức bách hơn. Ngoài ra, theo các chuyên gia, ASEAN cũng nên thống nhất hơn nữa trong các cuộc đàm phán COC với Trung Quốc với mục tiêu cao nhất là duy trì hòa bình và ổn định cho toàn khu vực.
Gia tăng sự đoàn kết trong ASEAN về biển Đông
Báo The New Straits Times của Malaysia dẫn lời Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) Tan Sri Mohd Munir Abdul Majid cho biết, có nhiều lý do để ASEAN có lập trường thống nhất hơn, trong đó bao gồm cả các quốc gia thành viên không có yêu sách chủ quyền tại biển Đông trong đàm phán COC với Trung Quốc. Ông Munir, thành viên Hội đồng Hành động Kinh tế Malaysia, cho rằng, sự thống nhất của ASEAN kể từ khi thành lập năm 1967 là cần thiết cho một vị thế thương lượng tốt hơn với Trung Quốc.
Năm 2002, Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) với ASEAN. Vào năm 2010, Bắc Kinh tuyên bố các tranh chấp ở biển Đông không liên quan đến tất cả thành viên ASEAN. Tuy nhiên, theo ông Munir, ASEAN có cùng lợi ích chính là hòa bình và ổn định của khu vực.
Trong cuộc thảo luận Trò chuyện vòng tròn bạn bè của Thái Lan: Điều hướng ASEAN trong một thế giới hỗn loạn diễn ra ngày 3-3 tại Đại sứ quán ở Kuala Lumpur, Chủ tịch ABAC nói: Mặc dù Trung Quốc đã đảm bảo rằng họ sẽ không tấn công các quốc gia nào, nhưng hành vi của họ trong những năm gần đây đã thay đổi khi ngày càng trở nên lớn hơn và mạnh hơn.
Theo ông Munir, Trung Quốc nên nhận ra rằng, các quốc gia khác không tuyên bố chủ quyền tại các tuyến đường thủy quốc tế được đặt theo tên quốc gia của họ. Ông nói: “Ví dụ, trường hợp Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, hai khu vực này không hề được Ấn Độ và Malaysia tuyên bố chủ quyền”.
Cũng do các hành động của Trung Quốc tại biển Đông, nên Indonesia đã đổi tên khu vực phía Nam của biển Đông thành biển Natuna (bao quanh quần đảo Natuna của Indonesia) hay Philippines gọi biển Đông là biển Tây Philippines. Ông Munir nhấn mạnh: ASEAN cần sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ.
Cùng chia sẻ ý kiến của ông Munir, cựu Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow cho rằng, ASEAN có quyền hợp pháp liên quan đến hòa bình và ổn định, tự do hàng hải và thương mại qua biển Đông. “Một nước nào đó không thể chia rẽ ASEAN về vấn đề này. Đã đến lúc Ban thư ký ASEAN, bằng cách trao quyền cho tổng thư ký, có tiếng nói và mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ các quyền của mình, thay vì phụ thuộc vào Hội nghị cấp cao ASEAN”.
Đẩy nhanh đàm phán COC
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 8-3 cho biết, nhiều nước thành viên ASEAN đồng ý với đề xuất của Trung Quốc nhằm đẩy nhanh các cuộc đàm phán COC.
Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề cuộc họp Quốc hội ở Bắc Kinh, ông Vương Nghị nói rằng, các nước trong khu vực nên tôn vinh COC. Các cuộc đàm phán về COC bắt đầu vào tháng 3-2018 đưa ra các chuẩn mực hành vi trong vùng biển Đông. Vòng đàm phán mới nhất bắt đầu vào cuối tháng 2-2019. Tháng 11-2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất hoàn tất các cuộc đàm phán về COC vào năm 2021. Khi được hỏi về tính minh bạch của các cuộc thảo luận về COC, ông Vương Nghị cho biết cập nhật về các cuộc đàm phán sẽ được cung cấp khi có thể.
Tại buổi họp báo của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, trong chuyến thăm Philippines ngày 8-3, nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông trong việc duy trì hòa bình và tiến bộ trong khu vực.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Tổng thống Duterte cho biết ông và nhà lãnh đạo Malaysia cam kết tuân thủ luật pháp và các quy tắc quốc tế trong xử lý tranh chấp ở biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông, cũng như giải quyết tranh chấp hòa bình.
Hai nhà lãnh đạo Philippines và Malaysia khẳng định cam kết hợp tác trong các nền tảng khu vực và đa phương, đặc biệt là trong ASEAN nhằm thúc đẩy hơn nữa nền tảng pháp luật ở Đông Nam Á, phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.