Những điểm cần lưu ý
Theo Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách ASCC, ông Ekkaphab Phanthavong, lĩnh vực quản lý thiên tai của ASEAN cần được trang bị các công cụ phân tích chiến lược mạnh mẽ để sẵn sàng đối phó với các rủi ro.
Giám đốc Nhóm quản lý Quỹ hội nhập Nhật Bản - ASEAN Naoki Minamiguchi khẳng định, diễn đàn nhằm hỗ trợ ASEAN giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai và tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai trong khu vực thông qua hợp tác.
Ông Naoki Minamiguchi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các công cụ chính sách và phương pháp sáng tạo trong quản lý thiên tai. Sáng kiến Phát triển khả năng phục hồi (RDI) đã nêu bật mối quan hệ tương tác phức tạp giữa các hiểm họa khí hậu, khả năng xảy ra thiên tai, tính chất dễ bị tổn thương và các vấn đề quản lý thiên tai. Để ứng phó với những hiểm họa này, RDI cho rằng ASEAN cần có các phương pháp tiếp cận thích ứng mới để quản lý thiên tai.
TS Mizan Bisri, thuộc RDI, đã cảnh báo một số vấn đề trong việc sử dụng công nghệ quản lý thiên tai, đồng thời đề xuất ASEAN lựa chọn phương pháp tiếp cận kỹ thuật số trong quản lý và giảm thiểu rủi ro nhằm giải quyết các lỗ hổng này.
TS Riyanti Djalante, Vụ trưởng Vụ Quản lý thảm họa và Hỗ trợ nhân đạo thuộc Ban Thư ký ASEAN, khẳng định vai trò quan trọng của các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực sử dụng các ứng dụng công nghệ, đồng thời cho rằng ASEAN cần ưu tiên hỗ trợ bản địa hóa công tác quản lý thiên tai.
Theo TTXVN, tại diễn đàn, các đại biểu cũng thảo luận, khuyến nghị thúc đẩy hiểu biết chung và phổ biến rộng rãi các chiến lược bản địa hóa quản lý rủi ro thiên tai trong ASEAN, cũng như xây dựng lộ trình bản địa hóa trên quy mô khu vực và quốc gia. Theo đó công nhận, tôn trọng và tăng cường tính độc lập trong lãnh đạo và ra quyết định của các địa phương là chìa khóa của hoạt động nhân đạo và ứng phó với thiên tai.
Khu vực chịu nhiều thiên tai
ASEAN là một trong những khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học do Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore (NTU Singapore) và Đại học Glasgow (Scotland), ASEAN ngày càng chịu nhiều thiên tai do biến đổi khí hậu.
Báo cáo nhấn mạnh, ASEAN có nguy cơ mất hơn 35% GDP vào năm 2050 do biến đổi khí hậu và các hiểm họa thiên nhiên khác, tác động nghiêm trọng đến các ngành chính như nông nghiệp, du lịch và đánh cá, cùng với sức khỏe con người và năng suất lao động. Khu vực này cũng sẽ có mùa mưa kéo dài hơn, bên cạnh đó nắng nóng và hạn hán cũng sẽ gia tăng cường độ.
Đến năm 2050, mực nước biển tại ASEAN được dự đoán tăng trung bình ít nhất 25cm so với năm 2000. Các nhà khoa học cảnh báo, những ảnh hưởng lớn nhất về nước biển dâng sẽ xảy ra ở ASEAN, do số lượng người sinh sống ở các khu vực ven biển rất lớn.
Theo các chuyên gia, đã có ít nhất 21 triệu người phải di dời, sơ tán trong giai đoạn 2015-2018 do thiên tai gây ra ở ASEAN. TS Riyanti Djalante cho rằng, cần hợp tác liên ngành nhiều hơn về các giải pháp thuận theo thiên nhiên và xây dựng các cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu thiên tai. Đồng thời cũng tăng cường trao đổi cơ sở dữ liệu về lập bản đồ di dời và các chương trình hỗ trợ tài chính để giúp giải quyết các vấn đề di dời dân cư bị ảnh hưởng do thiên tai.