APPF-26: Kỳ vọng các nghị sĩ đóng góp thiết thực vào việc bảo đảm một môi trường hòa bình và ổn định
SGGPO
Sáng 19-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 đã chủ trì Phiên họp toàn thể thứ nhất APPF-26 về các vấn đề an ninh chính trị.
Sáng 19-1, tiếp tục các hoạt động của Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 đã chủ trì Phiên họp toàn thể thứ nhất APPF-26 về các vấn đề an ninh chính trị.
Phát biểu đề dẫn tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Tổ chức APPF-26 khẳng định, hiện nay, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành khu vực đi đầu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Đây là thành quả của những nỗ lực hợp tác đa phương, trong đó APPF là một cơ chế có nhiều đóng góp quan trọng.
“Hội nghị diễn ra vào thời điểm thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở nhiều khu vực trên thế giới. Người dân ở mỗi nước trong khu vực đều kỳ vọng ở các nghị sĩ, những người đại diện chân chính cho nhân dân có những đóng góp thiết thực vào việc bảo đảm một môi trường hòa bình và ổn định, thuận lợi cho việc tập trung các nỗ lực để phát triển kinh tế - xã hội, sự bình an của đất nước, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhận định.
Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Việt Nam điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho biết, kể từ sau Hội nghị APPF - 25 tại Fiji, năm vừa qua là một năm đầy thách thức đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và toàn thế giới. Tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia thành viên. Các thách thức lớn do các thành viên nêu ra tại Hội nghị năm 2017 vẫn chưa có giải pháp bàn bạc thống nhất, triệt để.
Chính vì thế, APPF cũng cần đóng vai trò theo chức năng của mình nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế. Những thỏa thuận lịch sử đã đạt được như: Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thể hiện tầm nhìn toàn cầu, gắn kết và đổi mới vì một thế giới tốt đẹp hơn, là nền tảng tạo ra những cơ hội hợp tác giữa các quốc gia, đồng thời nâng cao vị thế khu vực.
Các thỏa thuận này, không chỉ giúp giải quyết các thách thức toàn cầu về phát triển và bảo vệ môi trường, mà còn giúp giảm nguy cơ xung đột. Những hoạt động của APPF đóng vai trò không thể thiếu trong việc hợp tác, thúc đẩy xây dựng khuôn phổ pháp lý, quyết định và giám sát thực hiện các cam kết quốc tế của chính phủ.
Phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể đầu tiên, nguyên Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đánh giá, những vấn đề đưa ra thảo luận tại Hội nghị là những vấn đề rất quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Mặc dù các nước trong khu vực đã chứng kiến những thành tựu tốt đẹp mà khu vực đạt được trong thời gian qua, nhưng điều đó không có nghĩa rằng không có những thách thức. Châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực rất đa dạng và đấy chính là một thách thức. Vì vậy, các nước trong khu vực đang phấn đấu nhằm đạt được sự đa dạng trong hoà bình, ổn định; đạt được sự hòa hợp trong khu vực”, ông Saber Chowdhury nói.
Bày tỏ vui mừng khi chứng kiến khuôn khổ diễn đàn APPF không ngừng thay đổi và phát triển mạnh mẽ, ông Saber Chowdhury hy vọng, các nghị sĩ trong khu vực sẽ tích cực thảo luận, chia sẻ nhằm đóng góp vào thành công của Hội nghị.
Đại diện cho Đoàn ĐBQH Việt Nam trình bày kiến nghị phát biểu tại Phiên thảo luận thứ nhất, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển là trách nhiệm to lớn, vừa thường xuyên, vừa cấp bách của tất cả thành viên APPF. Hòa bình, an ninh quốc tế là điều kiện tiên quyết cho hợp tác, phát triển kinh tế, xã hội và thúc đẩy các quyền cơ bản, hạnh phúc của con người trên thế giới; xây dựng một nền hòa bình bền vững dựa trên luật pháp quốc tế là lợi ích chung của các dân tộc.
Để đạt được điều đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các nghị viện cần đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng môi trường hòa bình, an ninh khu vực dựa trên luật pháp.
Là cơ quan lập pháp, các nghị viện một mặt cần nội luật hóa các cam kết quốc tế, tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ và cam kết đối với các công ước và luật pháp quốc tế; mặt khác xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc về tôn trọng chủ quyền, thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.