Tại hội nghị, ông Nguyễn Trần Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 11 cho biết, đến nay quận đã phát gói hỗ trợ đợt 3 cho 96.872 người dân có hoàn cảnh thật sự khó khăn, với số tiền 96,872 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 66,46%. Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ đợt 3 còn gặp nhiều khó khăn. Đó là App chi trả của Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung chưa sử dụng được ngay, thường bị chậm, thường bị gián đoạn do quá tải nên mất khá nhiều thời gian trong quá trình chi hỗ trợ. Thông tin sai hoặc thiếu phải cập nhật vào danh sách riêng, làm hạn chế tiến độ chi hỗ trợ. Đối với App chi trả, yêu cầu người sử dụng phải có điện thoại thông minh và dung lượng cao nên gặp nhiều khó khăn.
Do phát gạo và tiền trợ cấp cùng một thời điểm nên nhân sự không đủ, hạn chế tiến độ chi trả. Một số người dân không có mặt ở địa phương tại thời điểm lập danh sách khảo sát, đến nay trở về đăng ký bổ sung gây khó khăn cho việc chi hỗ trợ.
Về công tác phục hồi kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp, tính đến nay, có 307 đơn vị với 1.723 lao động đăng ký; trong đó có 157 doanh nghiệp với 1.311 lao động và 150 hộ kinh doanh với 412 lao động. Hiện nay 3/3 chợ truyền thống (chợ Bình Thới, chợ Thiếc, chợ Phú Thọ) trên địa bàn hoạt động trở lại từ ngày 1-10, các chợ thực hiện việc phát phiếu đi chợ cho người dân, mỗi đợt vào chợ không quá 120 người.
Đồng thời, quận triển khai thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các chợ truyền thống ở quận khi hoạt động trở lại. Qua kiểm tra, toàn thể cán bộ, nhân viên ban quản lý các chợ đã được tiêm ngừa 2 mũi vaccine. Cụ thể, tỷ lệ thương nhân được tiêm ngừa 2 mũi vaccine chiếm 96,3% (chợ Bình Thới), 83,27% (chợ Thiếc) và 75% (chợ Phú Thọ) và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Trần Bình cho hay, trong thời gian tới, quận triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ gói an sinh xã hội đợt 3. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kết nối các nguồn lực xã hội; đẩy mạnh việc thành lập các trung tâm, tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ với hình thức tổ chức, phương thức hoạt động phù hợp; đảm bảo kịp thời gói an sinh xã hội “đủ về lượng, đủ về chất, phù hợp từng đối tượng”. Duy trì tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đề nghị hỗ trợ người dân khó khăn trên địa bàn quận thông qua Cổng thông tin 1022, các đường dây nóng.
Đồng thời, từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh cung ứng dịch vụ thiết yếu, lưu thông hàng hóa gắn liền với mức độ kiểm soát dịch. Từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các ngành nghề triển khai thực hiện nghiêm túc các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch. Kịp thời triển khai các chính sách của TP hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh về tín dụng, giảm các chi phí tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường.
Phát biểu chỉ đạo, ông Trương Quốc Lâm, Bí thư Quận ủy quận 11 cho rằng, trong thời gian tới vẫn còn những khó khăn nên hệ thống chính trị quận cần chủ động, có phương án phù hợp để trở lại "bình thường mới". Đồng thời, không được chủ quan, lơ là, ngủ quên trên chiến thắng trong phòng chống dịch. Mặt khác, tiếp tục quan tâm công tác điều trị tại nhà, khu thu dung các bệnh nhân mắc Covid-19; chuẩn bị cho việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế và UBND TPHCM.
Bên cạnh đó, quan tâm chăm lo an sinh xã hội; rà soát kỹ không để sót các trường hợp khó khăn; tiếp tục tổng hợp, thống kê chuẩn bị các phương án dự phòng. Ngoài ra, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; duy trì hệ thống pháo đài chống dịch.