4 định hướng hành động
Với chủ đề “Ứng phó đại dịch Covid-19, đâu là cơ hội của châu Á - Thái Bình Dương hợp tác vượt qua khủng hoảng y tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đặt nền tảng cho tương lai tốt đẹp hơn?”, cuộc họp tập trung thảo luận về các giải pháp vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác và các giải pháp đa phương trong việc cùng nhau vượt qua khủng hoảng y tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế sáng tạo, bền vững, bao trùm và an toàn.
Theo đó, các nhà lãnh đạo đã nhất trí 4 định hướng hành động của APEC trong thời gian tới gồm: ủng hộ chia sẻ vaccine giữa các nền kinh tế; kêu gọi chuyển giao công nghệ, củng cố hệ thống y tế tự cường nhằm ứng phó với khủng hoảng hiện nay và trong tương lai; tăng cường triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách hỗ trợ phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), ứng phó biến đổi khí hậu... nhằm tạo việc làm, nâng cao năng suất kinh tế, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế.
Cùng với đó, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số, trong đó có các giải pháp tăng cường kỹ năng số cho người lao động để tham gia vào thị trường lao động mới; tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và dịch vụ, đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt và hỗ trợ quá trình phân phối vaccine; mở cửa biên giới nhưng bảo đảm an toàn y tế. Kết thúc cuộc họp, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung về “Vượt qua Covid-19 và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế”.
3 đề xuất hợp tác
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thực tế ứng phó với dịch bệnh trong hơn 1 năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các nền kinh tế thành viên APEC.
Nổi bật là sự đồng tình chung tay hành động của người dân và giữa các nền kinh tế thành viên trong triển khai các biện pháp chống dịch một cách tổng thể, khoa học, đa phương, bao trùm. Chỉ cần 1 người/1 nền kinh tế chưa an toàn về dịch thì cả thế giới sẽ không thể an toàn.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, là nơi có nhiều trung tâm sản xuất, cung ứng vaccine hàng đầu thế giới, APEC rất cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Triển vọng phục hồi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sự tiếp cận kịp thời, bình đẳng với giá cả hợp lý và tiêm chủng hiệu quả nguồn vaccine có chất lượng. Tận dụng công nghệ mới và đẩy nhanh chuyển đổi số là nền tảng quan trọng góp phần vào phát triển bền vững.
Với phương châm “không bỏ ai ở lại phía sau”, Chủ tịch nước đưa ra 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC. Đó là, triển khai nhanh chóng các chương trình hợp tác để hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khủng hoảng; nâng cao tính tự cường và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; đào tạo kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine; nghiên cứu khả năng xây dựng thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Đồng thời, xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế.
Chủ tịch nước đã chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện “mục tiêu kép” về phòng chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế; đánh giá cao sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong quá trình này…
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tiếp thu và phản ánh các đề xuất định hướng hợp tác mà Chủ tịch nước đã nêu vào Tuyên bố chung của hội nghị.