Ngày 23-12, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 49 tuổi ngụ tại quận Tân Bình (TPHCM) bị áp xe sau tiêm tan mỡ bụng.
Bệnh nhân đến khám trong tình trạng vùng bụng, hông, đùi xuất hiện nhiều nốt đỏ, viêm và chảy mủ. Trước đó 2 tháng, bệnh nhân có xem quảng cáo trên Facebook và đến cơ sở thẩm mỹ ở quận 10 để tiêm tan mỡ.
“Thấy Thẩm mỹ viện quảng cáo dáng chuẩn ngay tức thì chỉ sau 1 liệu trình siêu hủy mỡ nên tôi liên hệ và tìm đến. Tại đây tôi được nhân viên tư vấn liệu trình tiêm tan mỡ thực hiện nhanh chỉ trong vòng 45 phút, không đau. Chỉ cần bôi tê xong nằm yên, bác sĩ tiêm tinh chất hủy mỡ, sau 5-7 ngày mỡ sẽ được đào thải qua hệ bài tiết và tôi sẽ lấy lại được vóc dáng thon gọn. Chi phí cho 1 liệu trình này khoảng hơn 10 triệu đồng”, bệnh nhân thông tin với bác sĩ.
Tuy nhiên, sau tiêm 1 tuần, vùng bụng, hông, đùi của bệnh nhân nổi nhiều nốt đỏ, sưng, cứng. Theo hướng dẫn của nhân viên thẩm mỹ viện, bệnh nhân có ra nhà thuốc mua kháng sinh để uống nhưng tình trạng không cải thiện nên quay lại cơ sở thẩm mỹ này và sau đó được giới thiệu qua một phòng khám khác để chích thuốc, rạch các nốt viêm, rút mủ nhưng tình trạng không cải thiện mà các ổ mủ xuất hiện dày đặc hơn, sưng, mưng mủ gây đau nhức...
Bệnh nhân sau đó quay lại cơ sở thẩm mỹ nhưng cơ sở này đã đóng cửa, không liên lạc được.
BSCK2 Phạm Thị Thanh Giang, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, bệnh nhân bị áp xe sau tiêm tan mỡ. Có 3 nguyên nhân có thể gây xuất hiện các nốt viêm sau tiêm tan mỡ:
Thứ 1: Thuốc tiêm tan mỡ không rõ nguồn gốc. Hiện nay không có loại thuốc tiêm tan mỡ nào được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Vì vậy, thuốc mà cơ sở thẩm mỹ tiêm cho bệnh nhân là hàng trôi nổi, không an toàn. Ngoài ra, cơ sở làm đẹp có thể pha thêm các thành phần khác gây hoại tử da, hay thần kinh, cơ, gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Thứ 2: Kỹ thuật tiêm sai. Hiện nay theo một số nước như Hoa Kỳ, cho phép sử dụng thuốc tiêm tan mỡ, họ cũng nhấn mạnh rằng kỹ thuật tiêm vô cùng quan trọng. Trong tất cả các vị trí, độ sâu của kim phải giữ ổn định, vì sự thay đổi hoàn toàn có thể gây ra hoại tử các mô xung quanh như thần kinh, mạch máu, da.
Thứ 3: Không đảm bảo vô trùng trong kỹ thuật tiêm. Tại các cơ sở làm đẹp, các nhân viên không được đào tạo y tế nên kỹ thuật thực hiện thường không đảm bảo vô trùng.
Bệnh nhân sau đó được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và được điều trị bằng các thuốc kháng sinh, kháng viêm liều cao. Sau hơn 1 tuần các vết loét khô, các nốt viêm giảm sưng. Tuy nhiên, điều trị tai biến tiêm tan mỡ là điều trị khó, bệnh nhân cần được theo dõi lâu dài và điều trị tích cực. Một số bệnh nhân sau điều trị ổn vẫn có thể tái phát và hậu quả là để lại di chứng sẹo xấu.
Cũng theo BSCK2 Phạm Thị Thanh Giang, tiêm tan mỡ là kỹ thuật tiêm các chất có khả năng ly giải tế bào mỡ, tăng vận chuyển lipid qua màng tế bào nhằm mục đích làm giảm thể tích các tế bào mỡ vùng không mong muốn.
Các tác dụng phụ có thể gặp: đau, sưng phù kéo dài đến 48 giờ sau tiêm, hình thành khối máu tụ, một số tác dụng phụ nghiêm trọng như viêm mô tế bào, loét hoại tử. Các tai biến xảy ra thường do kỹ thuật tiêm sai, cần tiêm đúng lớp, với độ sâu kim ổn định.
Tuy nhiên, dù tiêm đúng kỹ thuật thì tỉ lệ tai biến vẫn có thể xảy ra. Một số trường hợp sau tiêm, bệnh nhân xuất hiện các nốt viêm đỏ, khi thực hiện sinh thiết da, các nhà nghiên cứu tìm được rất nhiều mô sợi hình thành, kèm theo hiện tượng viêm mô mỡ kéo dài. Các biến chứng này khi xảy ra rất thường để lại sẹo xấu cho bệnh nhân.