Tuy vậy, Đồng Tháp vẫn chưa hài lòng mà đang nỗ lực thay đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp; đồng thời xây dựng không gian sản xuất theo hướng tích hợp, linh hoạt.
Kết quả khả quan
Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, khoảng 5 năm gần đây, quy mô kinh tế của tỉnh ngày càng được mở rộng (ước đến năm 2020 tăng gần 1,6 lần so với năm 2015), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,66%/năm. Ước thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 51,66 triệu đồng - tăng 1,57 lần so với năm 2015.
Đồng Tháp là địa phương mạnh dạn triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” với nội dung “Hợp tác, liên kết thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”.
Theo đó, đẩy nhanh chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ 3; áp dụng luân canh các loại cây trồng, nuôi thủy sản… sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế hợp tác để củng cố kinh tế hộ, tăng cường liên kết, lấy DN dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước.
Đã xuất hiện nhiều mô hình mang lại kết quả bước đầu như “lúa - cá”, “lúa - tôm”, “lúa - sen”; việc chuyển đổi đất lúa sang đất trồng cây ăn trái cũng mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch… mở ra hướng tiếp cận mới, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
Song song đó, Đồng Tháp cũng đẩy mạnh việc bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, được triển khai bằng các dự án khởi nghiệp, gắn kết giữa nông dân và DN, cùng sự tham gia của nhà khoa học. Một số chuỗi ngành hàng bắt đầu được hình thành, kết nối giữa sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, thương mại điện tử.
Một trong những điểm sáng ở Đồng Tháp thời gian qua là xây dựng “tinh thần hợp tác” trong nông dân. Đồng Tháp là địa phương đầu tiên cho ra đời mô hình “Hội quán nông dân” nhằm chia sẻ kiến thức trong sản xuất, là nơi kết nối tri thức, thông tin giữa các chuyên gia, nhà khoa học, DN với nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có 75 Hội quán nông dân với 4.000 thành viên; có 14 hợp tác xã kiểu mới được thành lập trên nền tảng mô hình này.
Cùng với nông nghiệp thì công nghiệp phát triển tốt, tỉnh nâng cao tính cạnh tranh các sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, nâng dần tỷ lệ tinh chế tạo ra giá trị lớn hơn và tính cạnh tranh cao hơn. Đến nay, xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 1,2 tỷ USD/năm, với 2 mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản. Đồng Tháp duy trì 11 năm liền trong tốp 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
3 trụ cột phát triển
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, từ nay đến năm 2025 và năm 2030, Đồng Tháp tiếp tục phát triển trên nền tảng nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thay vì vận hành theo “tư duy sản xuất”, Đồng Tháp hướng tới “tư duy kinh tế”, với mục tiêu giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến.
Tỉnh phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận “nền nông nghiệp phải là đầu vào của chuỗi ngành hàng công nghiệp, thương mại, dịch vụ”; tạo giá trị gia tăng thông qua thay đổi chất lượng giống, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của nông nghiệp 4.0 vào quy trình sản xuất; nâng cao sản phẩm chế biến tinh từ các loại nông sản.
Sản xuất nông nghiệp vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa phải tính đến điều kiện suy giảm tài nguyên nước; đồng thời phát huy giá trị của du lịch nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân và tạo dựng hình ảnh một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp trách nhiệm, bền vững môi trường.
Trong tương lai, Đồng Tháp sẽ thay đổi quy hoạch không gian sản xuất và không gian phân bố dân cư. Không gian sản xuất theo hướng tích hợp, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính cấp xã, thậm chí là cấp huyện, mà liên xã, liên huyện dựa trên điều kiện tự nhiên, địa hình, thổ nhưỡng tương đồng.
Trong từng không gian như vậy kết nối, bổ sung cho nhau giữa kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế tập thể và doanh nghiệp nông nghiệp; kết hợp giữa tích tụ ruộng đất cứng và tích tụ ruộng đất mềm, linh hoạt. Trong từng không gian sẽ hình thành các cụm liên kết ngành hàng nông sản với hệ thống hạ tầng đồng bộ, các tổ hợp logistics với quy mô nhỏ và vừa tương ứng.
Trong từng cụm liên kết ngành hàng sẽ hình thành các hợp tác xã quy mô lớn hơn, đa dịch vụ hơn; các cơ sở cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào, cơ khí nông nghiệp, dịch vụ nông thôn, tạo động lực phát triển các DN nông nghiệp, DN khởi nghiệp chế biến nông sản quy mô vừa và nhỏ.
Những cụm liên kết ngành hàng sẽ là tiền đề để thay đổi về chất lượng nông nghiệp, trình độ nông dân và diện mạo nông thôn dựa trên những “ngôi làng thông minh”. Mỗi cụm liên kết ngành, hạt nhân cho những không gian sản xuất được gắn kết của những “ngôi làng thông minh”, còn là một cấp độ chủ động lập kế hoạch cho cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Và cũng trong từng cụm liên kết ngành hàng như vậy, các thiết chế về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, tập huấn cho nông dân, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển văn hóa cộng đồng, xây dựng xã hội học tập được hình thành. Đó cũng là mục tiêu, là hình ảnh của nông thôn mới.
Đồng Tháp không chia tách nông nghiệp, công nghiệp và du lịch thành 3 lĩnh vực riêng lẻ, mà tạo thành một mảnh ghép chặt chẽ, hài hòa giữa “nông nghiệp - công nghiệp nông nghiệp - du lịch nông nghiệp” trên từng không gian sản xuất phù hợp. Theo đó, công nghiệp và du lịch sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho nông nghiệp và cơ cấu lại nguồn nhân lực nông thôn. Đây cũng là cách làm nông nghiệp bằng tư duy kinh tế. |