Áp thuế doanh nghiệp FDI thấp
Mở đầu tọa đàm, TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết, thuế và giá đất là 2 công cụ chủ đạo để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm đầu tư mới và đầu tư mở rộng. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, dùng công cụ ưu đãi thuế là chủ đạo. Đó là chính sách “miễn 4 giảm 9” (tức miễn 4 năm, giảm 9 năm), ưu đãi 23 lĩnh vực đặc biệt, 7 lĩnh vực ưu đãi thấp hơn; ưu đãi trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao… Theo ước tính sơ bộ, thuế thực tế đối với doanh nghiệp FDI hiện nay ở Việt Nam là 12,3%, thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu là 15%, thậm chí có một số tập đoàn lớn chỉ ở mức 2,75%-5,95%. Và một khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là 15% thì chính sách ưu đãi thuế sẽ không còn hấp dẫn nữa.
Ở góc độ khác, ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, cho rằng, việc áp mức thuế suất tối thiểu toàn cầu là một cuộc chơi mà dù muốn hay không Việt Nam vẫn phải tham gia. Nếu mức thuế suất mà Việt Nam thu của các doanh nghiệp FDI chưa đủ 15% thì các nước mà tập đoàn, công ty đa quốc gia đóng trụ sở sẽ được quyền thu phần chênh lệch còn lại. Hiện đã có 141 quốc gia tham gia cuộc chơi chung này. “Vậy chúng ta thắt lưng buộc bụng để ưu đãi cho nhà đầu tư, nhưng phần hy sinh đó lại mang về cho các quốc gia mà công ty có trụ sở thì cũng không thỏa đáng”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến doanh nghiệp FDI lớn, có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu EUR, nhưng cũng tác động đến tất cả các dự án nhỏ. Vì với nguyên tắc toàn cầu và cộng gộp, có thể dự án nhỏ ở Việt Nam nhưng lại nằm trong mạng lưới kinh doanh toàn cầu của công ty đó, thì cũng bị tác động.
Cải cách môi trường đầu tư
Theo ông Phan Vũ Hoàng, chất lượng môi trường đầu tư quan trọng hơn cả những ưu đãi. Không thể lấy ngân sách ra để ưu đãi mãi cho nhà đầu tư nước ngoài, thay vào đó nên tăng chất lượng hấp dẫn bằng hạ tầng, sự minh bạch trong thủ tục hành chính… Để có thể ứng phó với vấn đề này, Việt Nam cần rà soát chính sách ưu đãi, trước mắt phải thu thuế đúng mức, cùng với đó là cải thiện môi trường kinh doanh. Ở phần chính sách, có thể tăng mức khấu trừ chi phí một số lĩnh vực đầu tư như nghiên cứu và phát triển, hạ tầng xanh, đào tạo nguồn nhân lực… nhằm “giữ chân” doanh nghiệp.
Năm 2017, Việt Nam tham gia vào Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu (BEPS Actions). Theo thỏa thuận của BEPS Actions (có 141 thành viên), từ năm 2024, các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu toàn cầu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ phải chịu mức thuế tối thiểu thống nhất là 15%. Nếu tại nước đầu tư, công ty được hưởng thuế suất thấp hơn mức 15% thì quốc gia nơi đặt trụ sở chính của công ty sẽ được đánh thuế bổ sung để đạt mức thuế tối thiểu này.
Có kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, bà Trần Đỗ Lê Uyên, đại diện Hãng Luật BR Law Firm, cho rằng, ưu đãi về thuế chỉ là một phần. Điều quan trọng hơn là tính minh bạch của chính sách thuế. Để ưu đãi cho doanh nghiệp thì có thể tăng những chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thông qua đó số thuế doanh nghiệp phải đóng sẽ thấp hơn. Tương tự, ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất, công nghiệp TPHCM (Hepza), cho biết, hiện nay ngoài ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp thì Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng còn ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, về tiền sử dụng đất và tiền khấu hao. Những ưu đãi này trong thực tế chưa được áp dụng triệt để. Theo ông Trần Việt Hà, cách ứng phó tốt nhất là cải thiện mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh, làm sao để nhà đầu tư không gặp trở ngại về pháp lý. Đồng tình với ý kiến này, ông Phan Đức Hiếu thông tin, hiện Việt Nam có 7 chính sách hỗ trợ nhà đầu tư và chúng ta nên thực hiện mạnh mẽ, triệt để các chính sách này để bù đắp cho việc ưu đãi về thuế. Việc này có ưu thế là có thể áp dụng ngay, không cần chờ sửa đổi luật lệ, mà việc sửa luật vốn mất rất nhiều thời gian.
Thuế tối thiểu toàn cầu chính thức áp dụng vào năm 2024 và thời gian không còn dài để Việt Nam chuẩn bị các chính sách. TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhìn nhận, để duy trì sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, TPHCM cần thay đổi tư duy tiếp cận thu hút FDI chất lượng cao. Trong đó cần bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng; tập trung đầu tư nguồn nhân lực; nâng chất cơ sở hạ tầng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh…