Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, hướng về đất liền các tỉnh miền Trung

Sáng nay, 18-9, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia) đã chia sẻ thông tin nhận định về áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông (sắp mạnh lên thành bão số 4). Trong khi đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới.

Chuyên gia Nguyễn Văn Hưởng nhận định về áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão

Ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định, khi di chuyển đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhiều khả năng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão.

Sau khi mạnh lên thành bão số 4, cơn bão này sẽ đổi từ hướng Tây sang Tây Tây Bắc để hướng về đất liền miền Trung của Việt Nam.

Ông Hưởng lưu ý, do tương tác của một dải hội tụ nhiệt đới vắt ngang Trung bộ với hoàn lưu trước bão, nên đêm qua đến sáng sớm nay 18-9, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ đã có mưa to.

“Từ nay đến sáng 20-9, khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ sẽ xảy ra đợt mưa lớn, có nơi trên 300mm”, ông Hưởng nhận định. Từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Đà Nẵng, Quảng Nam đang được cảnh báo nguy cơ lũ quét, trượt lở đất.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai vừa thông tin, đầu giờ chiều nay 18-9, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức cuộc họp triển khai các nhiệm vụ ứng phó áp thấp nhiệt đới cũng như cơn bão số 4, do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 18-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông, cách Hoàng Sa khoảng 180 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 61 km/giờ), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15 km/giờ.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10. Đến 10 giờ ngày 19-9, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20 km/giờ, mạnh lên thành bão, vị trí tại 16,7 N-108,4E; trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Quảng Nam, cách Quảng Trị khoảng 110 km về phía Đông Đông Nam, cường độ bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực Hoàng Sa); vùng biển và đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ).

Đến 10 giờ ngày 20-9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km/giờ, đi vào đất liền và suy yếu dần, vị trí bão tại 17,5N-105,1E; trên khu vực Trung Lào, cường độ bão mạnh cấp 6, giật cấp 8, vùng nguy hiểm 15,0N-19,5N; phía Tây kinh tuyến 111.0E; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực Hoàng Sa); vùng biển và đất liền từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư).

Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2-4 m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10 (89-102 km/giờ), sóng biển cao 3-5 m, biển động mạnh.

Trên đất liền, từ gần sáng và ngày 19-9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 10 (89-102 km/giờ); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

Từ ngày 18-9 đến ngày 20-9, ở khu vực Bắc và Trung Trung bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Từ ngày 18-9 đến ngày 19-9, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 40-80 mm, có nơi trên 150 mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).

Theo TTXVN

Quảng Bình: Bộ đội Biên phòng triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới

Ngày 18-9, Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã cấp tốc chỉ đạo các đơn vị trên 2 tuyến biên giới triển khai các biện pháp ứng phó và giúp dân phòng chống ATNĐ, bão.

Ngay trong đêm 17-9, các đài canh vô tuyến điện tuyến biển đã thực hiện hàng trăm lượt thông báo, kêu gọi các phương tiện hoạt động trên khu vực biển nguy hiểm tìm nơi tránh trú an toàn. Tổ chức kiểm đếm, cập nhật hải trình các tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

Clip bộ đội biên phòng kêu gọi tàu vào trú ấn

Trên tuyến biên giới đất liền, qua hệ thống loa truyền thanh bản xa, các đơn vị đã thông báo diễn biến tình hình thời tiết tới các thôn bản, rà soát kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng, sẵn sàng thực hiện các biện pháp di dời dân, tài sản đến nơi an toàn. Kêu gọi người dân không đi vào rừng, đồng thời liên lạc yêu cầu những người dân đang ở trong rừng quay về nhà.

Bộ đội biên phòng kêu gọi tàu vào âu thuyền Nhật Lệ

Bộ đội biên phòng kêu gọi tàu vào âu thuyền Nhật Lệ

Qua hệ thống giám sát và kiểm đếm của các đơn vị, toàn tỉnh Quảng Bình có tổng số 7.313 phương tiện/18.979 lao động. Tính đến thời điểm 10 giờ sáng 18-9, đã có 7.262 phương tiện neo đậu tại bến. Trên biển hiện có 51 phương tiện, trong đó: vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ có 43 tàu và 287 lao động (dự kiến chiều ngày 18-9 các tàu sẽ vào bờ); Vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi có 8 phương tiện với 40 lao động đang neo đậu tránh gió ở trước cửa Sa Kỳ tỉnh Quảng Ngãi.

Tàu thuyền vào âu thuyền trú tránh

Tàu thuyền vào âu thuyền trú tránh

Bộ chỉ huy chỉ đạo các đơn vị tiếp tục bám địa bàn, nắm chắc tình hình diễn biến của thời tiết, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các phương án phòng, chống thiên tai, đặc biệt chủ động di dời dân các bản làng biên giới ở các sườn đồi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Kiểm tra và bổ sung lương thực, thực phẩm dự phòng. Các đơn vị tuyến biển phối hợp với các cấp chính quyền tiếp tục kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền tại các âu thuyền và khu vực neo đậu an toàn trên sông Gianh, sông Dinh, Nhật Lệ và sông Loan (Roòn).

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục