Tuy nhiên, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản chưa xác nhận cơn bão này nên hiện cơn bão chưa có tên. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia Việt Nam vào lúc 2 giờ sáng 21-7 vẫn phát tin áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc - 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Theo một số chuyên gia khí tượng không thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, sáng nay 21-7, bão số 2 hoạt động ở cấp 8, có hướng di chuyển là Tây nhưng hôm nay sẽ đổi sang Tây Bắc, có nguy cơ cao đi sâu vào vịnh Bắc bộ.
Trước đó, các trung tâm khí tượng quốc tế và Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia của Việt Nam nhận định tâm bão sẽ đi vào khu vực phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc). Tuy nhiên theo cập nhật dữ liệu mới, sáng nay, các chuyên gia khí tượng cho rằng, do áp thấp nhiệt đới ở bên ngoài Biển Đông đã mạnh lên thành bão Gaemi nên tương tác mạnh với cơn bão trong Biển Đông, dẫn đến xác suất 90% bão số 2 sẽ đi vào vịnh Bắc bộ.
Do ảnh hưởng của bão, vịnh Bắc bộ và vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình cần đề phòng thời tiết xấu khi bão có thể mạnh lên tới cấp 9, giật cấp 11. Trên đất liền, trước mắt có thể mưa toàn bộ khu vực Đông Bắc bộ trong vòng 2 ngày tới, trọng tâm là Quảng Ninh và có thể cả Hải Phòng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, sáng nay 21-7, ở Hải Phòng đã xuất hiện những ổ mây dông lớn, có thể mưa to kết hợp với tình trạng nước biển dâng, nước lũ từ thượng nguồn các sông ở miền Bắc chảy ra, nguy cơ úng ngập là rất cao.
*Ở phía Nam, do mưa xuất hiện trên diện rộng, tập trung ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên, nên đến sáng sớm nay 21-7, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã cảnh báo tình hình lũ trên sông Đồng Nai.
Vào lúc 1 giờ sáng nay 21-7, mực nước lũ đo ở trạm Tà Lài trên sông Đồng Nai chỉ còn dưới báo động 2 là 0,03m. Dự báo hôm nay, mực lũ trên sông Đồng Nai có thể vượt báo động 2, gây ngập tại các huyện Tân Phú, Định Quán của tỉnh Đồng Nai và một số địa bàn lân cận.