Thực hiện Công điện số 1786/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 173/TWPCTT của Ban Chỉ đạo, tính đến 6 giờ sáng ngày 19-11, các tỉnh nằm trong tâm áp thấp đổ bộ đã sơ tán, di dời được 9.159 hộ với 34.693 người (Khánh Hòa 4.496 hộ với 16.250 người; Ninh Thuận 4.663 hộ với 18.443 người), tỉnh Bình Thuận đã lên phương án sơ tán dân.
Thông báo tình hình diễn biến của bão đến các cấp chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động phòng tránh. Hướng dẫn, kiểm tra công tác chặt tỉa cành cây, chằng chống gia cố nhà cửa, kho tàng và lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Kêu gọi, kiểm đếm và hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn. Kiểm tra, rà soát các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và khu vực hạ du, nhất là đối với các hồ chứa xung yếu, đầy nước và đã bị sự cố do ảnh hưởng của bão số 12 và mưa lũ sau bão.
Không có tàu nào hoạt động ở khu vực từ 9 đến 13 độ Vĩ Bắc (vùng nguy hiểm). Hiện các phương tiện đã nắm được thông tin về bão 14 đang chủ động di chuyển và phương án phòng tránh.
Neo đậu tại các bến là 54.957 tàu với 261.281 lao động. Hoạt động ở khu vực biển khác: 7.555 tàu với 45.783 lao động. Tuy nhiên đến nay vẫn còn 15 tàu với 108 lao động chưa liên lạc được, trong đó: Quảng Ngãi 2 tàu với 17 lao động, Cà Mau 13 tàu với 91 lao động.
Nhưng theo Ban chỉ huy các tỉnh thì các tàu này hoạt động tại khu vực từ 7 đến 8 độ vĩ Bắc, 104 đến 105 độ kinh Đông tức ngoài khu vực nguy hiểm.
Tại Bình Thuận: 109 tàu với 660 lao động đã vào bờ lúc 23 giờ ngày 18-11.