Việc lạm phát tháng 8 của Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021 đã làm thay đổi dự báo khả năng về điều hành lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại cuộc họp ngày 20 và 21-9. Dù đa số dự báo mức tăng lãi suất là 0,75%, nhưng đã xuất hiện nhận định FED tăng 1%. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại trong “cuộc đua” tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, đã gây sức ép lớn lên các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ba đối tác lớn của Việt Nam là Mỹ, EU, Hàn Quốc đang trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất, nhất là từ thời điểm xung đột Nga - Ukraine, khiến quá trình này diễn ra với mức độ và tần suất mạnh mẽ hơn so với giai đoạn trước. Điều đó sẽ gây sức ép đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng như áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.
Tại phiên thảo luận toàn thể của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội ngày 18-9, ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, Việt Nam phải giữ bằng được ổn định tỷ giá, bởi nó như “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ thì lạm phát sẽ tràn vào, vô cùng khó khăn. GS Andreas Hauskrecht, Đại học Indiana (Mỹ), cũng cho rằng, Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng, không tăng lãi suất bởi có thể sẽ gây rủi ro tài chính. Việt Nam nên dùng các công cụ tài chính thận trọng, an toàn.
Một câu hỏi đặt ra là: Những biến động của tỷ giá sẽ tác động ra sao đến nợ công của Việt Nam? Theo Bộ Tài chính, năm 2021, nợ công của Việt Nam là 43,1%GDP (mức trần Quốc hội cho phép là 60%GDP Quốc hội). Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nợ công của Việt Nam là nợ của Chính phủ (khoảng 40%GDP năm 2021), với hơn một nửa nợ của Chính phủ đều đến từ nguồn vay trong nước. Dù vậy, tỷ trọng khoản nợ nước ngoài của Chính phủ cũng chiếm không nhỏ: hơn 30% dư nợ. Về khoản vay nước ngoài trong nợ của Chính phủ, vay song phương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, trong đó Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất) và vay đa phương (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á) chiếm lần lượt khoảng 15% và 18% tổng nợ và ngày càng có xu hướng giảm dần tỷ trọng.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), ngoại trừ Nhật Bản đang duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, lãi suất trái phiếu chính phủ các nước còn lại đều có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu năm 2022 trở lại đây. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 10 năm tại Hàn Quốc đang ngang bằng Việt Nam ở mức 3,79%; Mỹ là 3,45% và chưa có dấu hiệu dừng lại khi nhiều khả năng FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất. Lãi suất trái phiếu chính phủ nhiều kỳ hạn của các nước đều có xu hướng tăng và điều này có thể sẽ tác động đến khả năng vay nợ của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, điều này cũng không quá đáng ngại khi kinh tế Việt Nam vẫn đang phục hồi tốt sau đại dịch và còn dư địa để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế.
Sự tăng giá mạnh mẽ của đồng USD trong thời gian trở lại đây đang gây áp lực lên không chỉ VND mà còn đến nhiều đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới như JPY, EUR… Tuy nhiên, với Việt Nam, nợ công đang có xu hướng giảm dần và dịch chuyển sang vay nợ trong nước cho thấy nội lực nền kinh tế những năm trở lại đây có sự cải thiện tích cực. Điều này càng được thể hiện rõ khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập uy tín trên thế giới (S&P, Moody’s…) đã nâng hạng Việt Nam và một số các ngân hàng thương mại trong nước. Với chính sách điều hành linh hoạt, phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ bên cạnh những con số tích cực trong thu ngân sách, nợ công và trả nợ của Việt Nam sẽ không là vấn đề quá lo ngại trong thời gian tới.