Hạ giá bán USD can thiệp thị trường
Gần 2 tuần qua, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 270 đồng/USD, giá USD trên thị trường tự do tăng khoảng 450 đồng/USD. Ghi nhận thị trường tỷ giá vào cuối tuần cho thấy, NHNN đã công bố tỷ giá trung tâm giảm phiên thứ 2 liên tục, giảm tổng cộng 15 đồng sau khi có động thái giảm 270 đồng giá bán USD tham khảo sở giao dịch NHNN, thấp hơn tại các NHTM và thị trường tự do.
Theo đó, ngày 27-3, Vietcombank cũng đã giảm giá USD mua vào 30 đồng về 23.510 đồng/USD nhưng vẫn giữ giá bán ra 23.700 đồng/USD. NHTM tư nhân giảm ít hơn như Techcombank chỉ giảm 18 đồng cả hai chiều mua bán xuống còn 23.532 đồng/USD mua vào và 23.692 đồng/USD bán ra.
Do giá USD tăng nóng trong thời gian ngắn, NHNN đã phải can thiệp bằng cách bán USD giá thấp cho các ngân hàng. Cụ thể, trong ngày 24-3, Sở Giao dịch NHNN đã giảm giá bán USD 258 đồng - xuống còn 23.650 đồng/USD, nên giá USD tại các ngân hàng ngay lập tức giảm nhiệt, xuống còn 23.650 đồng/USD giá bán ra.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng sự tăng giá của đồng USD trên thị trường thế giới, cộng thêm yếu tố tâm lý, đã khiến tỷ giá trong nước tăng trong thời gian qua mặc dù cung - cầu ngoại tệ trong nền kinh tế không có biến động lớn, thậm chí nguồn cung ngoại tệ hiện vẫn rất dồi dào. Chính vì thế, động thái hạ giá bán USD của NHNN là cần thiết, có tác động tạm thời để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, tỷ giá nên để thị trường tự quyết định.
“Sốt” trong ngắn hạn
Thực tế cho thấy, 2 tuần gần đây, USD-Index đã tăng mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư đẩy mạnh việc bán ra các tài sản tài chính và đầu tư để nắm giữ đồng USD. USD-Index đã tăng từ 94 điểm lên 103 điểm, nên đã gây áp lực lên các đồng nội tệ của các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, các yếu tố gây sức ép lên tỷ giá trong nước được dự báo chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Nguyên nhân chính vẫn là dịch Covid-19 đang gây ra một đợt suy thoái kinh tế trên toàn cầu, do đó các nhà đầu tư tìm đến USD như một kênh trú ẩn an toàn.
“Cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2020 và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3-2020. Trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được đáp ứng đầy đủ”, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết. |
USD-Index tăng 9% chỉ trong hơn 2 tuần, NHNN cũng phải có động thái giảm áp lực bằng cách điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm cũng như bán USD giá rẻ. Tuy nhiên mức độ điều chỉnh là thấp so với mức tăng của USD, cho thấy NHNN vẫn khá tự tin với khả năng điều hành tỷ giá trong thời gian tới.
“Chúng tôi đánh giá áp lực tăng giá USD trên thị trường tài chính toàn cầu có thể duy trì trong một tháng tới, song sẽ giảm trong các tháng cuối năm 2020, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ duy trì một chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế và các nhà đầu tư sẽ tích cực mua vào các tài sản tài chính, giảm nắm giữ USD trong lúc nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau dịch Covid-19”, chuyên gia Công ty MBS phân tích.
Thêm một yếu tố nữa gây áp lực giảm giá VND là lạm phát của Việt Nam hiện đang ở mức cao. Áp lực lạm phát của Việt Nam đã tăng lên kể từ các tháng cuối năm 2019 đến các tháng đầu năm 2020. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ 2019. Chênh lệch lạm phát của Mỹ và Việt Nam thời điểm hiện tại đã tăng lên khá cao với mức chênh lệch là 3,1% (2,3% so với 5,4%).
Trong tháng 3 và tháng 4 tới, dự kiến lạm phát tại Việt Nam sẽ suy giảm khi nhiều nhóm hàng hóa sẽ giảm giá, bao gồm: xăng dầu, thực phẩm (do nguồn cung thịt heo phục hồi trở lại), dịch vụ vui chơi ăn uống ngoài gia đình (do sức cầu thấp); do đó, mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ thu hẹp, làm giảm áp lực lên VND. Dựa trên lý thuyết ngang giá sức mua, MBS dự đoán cuối năm 2020, VND sẽ chỉ mất giá khoảng 2%/năm so với đầu năm.