Tỷ lệ lạm phát tăng mạnh hiện nay không phải thách thức của riêng châu Âu mà là tình trạng chung của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Xu hướng này vốn là hệ quả tất yếu khi nền kinh tế phục hồi nhanh và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại cho rằng “cơn bão lạm phát” ở châu Âu sẽ kéo dài. Áp lực lạm phát gia tăng đang đặt giới chức châu Âu trước câu hỏi lớn là nên tập trung kiềm chế đà tăng giá hay tiếp tục thúc đẩy phục hồi kinh tế? Nếu như lạm phát tiếp tục tăng nhanh, nợ công sẽ leo thang ngoài tầm kiểm soát, khiến nhiều nước buộc phải theo đuổi chính sách khắc khổ và từ đó làm cho giá cả giảm xuống.
Giới quan sát cho rằng, trong ngắn hạn, lạm phát tăng cao sẽ tạo sức ép khiến ECB hạn chế triển khai các chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn. Theo ông Rupert Thompson, Giám đốc Đầu tư tại Hãng Quản lý tài sản Kingswood, giá năng lượng tăng cao và tình trạng “thắt nút cổ chai” trong chuỗi cung ứng đã đẩy giá tăng phi mã. Nếu không giải quyết được tình trạng trên, lạm phát tại Eurozone năm tới sẽ cao hơn. Lạm phát vượt so với mức dự kiến ban đầu sẽ khiến các ngân hàng trung ương ở châu Âu khó khăn hơn trong việc điều chỉnh chương trình kích thích kinh tế và hoãn tăng lãi suất đến năm 2023.
Hiện ECB vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, do lo ngại hành động này có thể làm suy yếu đà phục hồi kinh tế của khu vực. Theo ECB, lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời do xuất phát từ những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và giá nhiên liệu gia tăng. Áp lực giá cả sẽ giảm bớt vào năm 2022.
Tại cuộc họp thường kỳ mới đây về chính sách tiền tệ, ECB nhất trí duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục và chương trình mua trái phiếu cho đến tháng 3-2022.