Ngày 19-9, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Hà Nội tổ chức Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2017, công bố báo cáo kết quả phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011 – 2015.
Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu đối với học sinh Việt Nam
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, báo cáo phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011 – 2015 tập trung vào giáo dục phổ thông (GDPT) được thực hiện nhằm cung cấp kịp thời các minh chứng hỗ trợ Bộ GD-ĐT sơ kết thực hiện giai đoạn 1 (2011-2015) của Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2015.
Trên cơ sở đó, rút ra những khuyến nghị điều chỉnh mục tiêu và các giải pháp phù hợp trong giai đoạn tiếp theo của Chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Do nguồn lực và thời gian thực hiện có hạn, việc phân tích ngành chỉ giới hạn trong phạm vi phân tích GDPT với 3 nội dung chính: tiếp cận giáo dục, kết quả học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực và vấn đề đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển GDPT giai đoạn 2011 – 2015.
Theo báo cáo này, tỷ lệ lưu ban và bỏ học có xu hướng giảm ở các cấp học, nhưng có sự khác biệt giữa các vùng miền. Nhìn chung, các vùng có điều kiện kinh tế kém phát triển hơn thì có tỷ lệ học sinh bỏ học cao hơn. Trong cả nước, vùng Đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ bỏ học ở cả 3 cấp học thấp nhất; tỷ lệ này cao nhất ở vùng ĐBSCL. Vấn đề bình đẳng giới được quan tâm khi phần lớn trẻ em trong độ tuổi tiểu học đang đi học không có sự chênh lệch về giới. Tuy nhiên càng lên cấp học cao hơn thì tỷ lệ nữ đi học càng cao hơn so với nam.
Đáng chú ý, Báo cáo phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011 – 2015 đã ghi nhận những nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng GDPT. Lần đầu tiên Việt Nam tham gia chương trình đánh giá quốc tế về kết quả học tập của học sinh năm 2012 (PISA) và đứng trong số 20 quốc gia có điểm cao nhất (Toán: 17/65 quốc gia), Đọc hiểu:19/65 quốc gia, Khoa học: 8/65 quốc gia).
Kết quả này cho thấy phần nào chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy học ở GDPT của Việt Nam trong việc tạo nền tảng về kiến thức và năng lực cho học sinh. Kể từ năm 2012, đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế đều đạt thành tích với tỷ lệ 100%. Số huy chương vàng cũng tăng dần qua các năm. Toán học và Vật lý và 2 môn mà học sinh giành được nhiều huy chương vàng hơn cả. Những thành tích đạt được của học sinh Việt Nam trong các kỳ thi quốc tế đã cho thấy sự cố gắng của ngành giáo dục trong việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, kết quả đánh giá định kỳ cấp quốc gia đối với một số lớp đầu cấp và cuối cấp học như lớp 5, 6, 9, 11 nhằm theo dõi sự thay đổi về kết quả học tập của học sinh cũng cho thấy, về tổng thể, tính trung bình, học sinh đều đạt được các chuẩn kiến thức – kĩ năng ở mức trên 50% ở các môn học.
Tuy nhiên, có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền trong cả nước. Khu vực miền núi có tỷ lệ học sinh đạt chuẩn thấp hơn so với khu vực nông thôn và thành thị. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) thường đạt chuẩn ở các môn học thấp hơn học sinh dân tộc Kinh.
Ngoài ra, kết quả học tập của học sinh chưa đồng đều giữa các môn học; so sánh kết quả giữa các môn học thì ngoại ngữ vẫn là điểm yếu đối với học sinh Việt Nam. “Đây là chính là rào cản đối với học sinh Việt Nam khi tiếp tục học lên hoặc tham gia thị trường lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ về mặt kinh tế và thương mại” – báo cáo phân tích cho hay.
Áp lực thi cử là một rào cản đổi mới phương pháp dạy học ở các trường THPT
Về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, kết quả nghiên cứu tại 3 tỉnh thành tham gia khảo sát về việc triển khai hoạt động dạy học và phát triển năng lực ở một số lĩnh vực (như năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực hợp tác) đã chỉ ra rằng, công tác chỉ đạo và chuẩn bị các điều kiện cho dạy và học phát triển năng lực cần được quan tâm hơn nữa để đảm bảo tính hiệu quả và xuyên suốt. Cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện dạy và học phát triển năng lực như phòng học, trang thiết bị và đặc biệt là tài liệu sách hướng dẫn còn thiếu, số học sinh trên lớp còn đông… chưa tương thích với phương pháp dạy và học mới.
Đặc biệt, báo cáo nhận định, áp lực thi cử, đặc biệt ở THPT là một rào cản trong việc đổi mới phương pháp dạy học ở các trường THPT. Giáo viên vẫn tập trung nhiều vào việc cung cấp kiến thức cho học sinh, chưa quan tâm thỏa đáng đến việc phát triển năng lực và phẩm chất cho các em. Mặt khác, tâm lý và nhận thức của nhiều cha mẹ học sinh vẫn nặng về thành tích điểm số.
Báo cáo cũng nêu những rào cản ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục như sự di dân nông thôn – thành thị và di chuyển lực lượng lao động trẻ đến các khu công nghiệp; lao động sớm, lao động trẻ em; sự thiếu quan tâm, kiểm tra, giám sát việc học tập của con cái của cha mẹ học sinh; ngôn ngữ và sự hiểu biết của cha mẹ học sinh người DTTS; tình trạng nghèo đói, kinh tế khó khăn. Cùng với đó, quy mô trường lớp chưa đáp ứng so với nhu cầu của học sinh trên một số địa bàn, đặc biệt ở các khu công nghiệp, đô thị; tình trạng biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt và tác động của thiên tai…
Báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị như cần tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, đặc biệt là cho các đối tượng thiệt thòi, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo... thông qua tăng cường cơ sở vật chất nhà trường, đa đạng hóa các hình thức giáo dục và khuyến khích sự tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục từ các thể chế ngoài nhà nước. Đẩy mạnh đổi mới GDPT, trong đó chú trọng đặc biệt tới đổi mới chương trình sao cho giáo dục phù hợp với nhu cầu thị trường và đẩy mạnh phân luồng và hướng nghiệp, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bô quản lý giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Cùng với đó, đổi mới quản lý giáo dục, đặc biệt đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nhằm huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong phát triển giáo dục.