Áp lực thay đổi của ngành hàng thực phẩm

Đối mặt với lạm phát tăng cao, xu hướng tiêu dùng của người dân cũng thay đổi, buộc các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng thực phẩm phải có những thay đổi để thích ứng.

Sức mua yếu, xu hướng tiêu dùng thay đổi

Lương thực thực phẩm là ngành đặc thù cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho toàn xã hội nên trong mọi thời điểm ngành luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ Nhà nước. Điều này đã trở thành lợi thế đặc biệt giúp các DN luôn duy trì sản xuất kinh doanh ổn định và tăng tốc phục hồi sau đại dịch.

Tuy vậy, trong quý 1-2023, tình hình sản xuất và kinh doanh của ngành này lại đang đối diện với khó khăn. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), cho biết: “Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực thực phẩm của thành phố quý 1-2023 đã giảm 1,75% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành lương thực thực phẩm thành phố đang hết sức khó khăn. Và DN dù đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kết nối xúc tiến… nhưng nhu cầu thị trường vẫn còn yếu.

Ngoài khó khăn nói trên, DN ngành lương thực thực phẩm cũng đối diện với xu hướng thay đổi của người tiêu dùng. Theo báo cáo từ các đơn vị nghiên cứu thị trường công bố gần đây cho thấy, năm 2023, giá cả vẫn là yếu tố tiên quyết khi người tiêu dùng đối mặt với lạm phát. Do giá cả tăng cao, người tiêu dùng đang dần hướng đến các sản phẩm có thương hiệu riêng để tiết kiệm tối đa. Cùng với đó, người tiêu dùng tìm đến các mô hình kinh doanh trực tiếp (DTC) vì sự tiện lợi và tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, giao hàng tận nơi cũng là một trong những yếu tố thu hút sự chú ý của người tiêu dùng mà các công ty cần tập trung vào khai thác.

“Ngành lương thực thực phẩm có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, ngành đang đứng trước yêu cầu phát triển rất cao nhằm có thể cạnh tranh và khắc phục những khó khăn của thị trường hiện nay. Trong bối cảnh đó, xu hướng phát triển ngành này đã có nhiều thay đổi đáng kể, người tiêu dùng quan tâm đến tính bền vững trong lựa chọn thực phẩm hay xu hướng bảo vệ môi trường, đề cao trách nhiệm chung từ vật liệu, bao bì và quá trình sản xuất”, ông Nguyễn Đặng Hiến cho biết.

Nỗ lực thay đổi để thích ứng

Để không bị loại khỏi cuộc chơi, thời gian qua, các DN thực phẩm TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang có những nhìn nhận lại để đưa ra chiến lược phù hợp hơn. Theo đó, các DN tập trung hơn vào hệ thống chuỗi cung ứng để có thể giảm thiểu tối đa việc tăng giá trực tiếp cho sản phẩm, tránh ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Đáng chú ý, số hóa trong sản xuất thực phẩm cũng được chú trọng nhiều hơn nhằm tăng tính minh bạch và an toàn, bên cạnh việc giảm chi phí quản lý và sản xuất. Ngoài ra, xúc tiến thương mại là một yếu tố thiết yếu để tăng trưởng doanh thu, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát. Tuy nhiên để việc xúc tiến thương mại hiệu quả, các DN sẽ thực hiện số hóa trong xúc tiến thương mại - nghĩa là tận dụng các chương trình khuyến mãi đa kênh, phân tích và có cái nhìn tổng quan về các điểm bán hàng (POS) .

Bên cạnh những giải pháp nói trên, theo khuyến cáo của FFA, giai đoạn này, chi phí vận hành cao hơn do lạm phát và thiếu hụt nguồn nguyên liệu được dự đoán sẽ có tác động lớn đến ngành chế biến thực phẩm, dẫn đến giá bán lẻ các sản phẩm cao hơn. Do đó, các DN cần tối ưu hóa nguồn lực, đổi mới tập trung vào tính bền vững; đồng thời nâng cao khả năng thích ứng chuỗi cung ứng, số hóa trong sản xuất thực phẩm...

Tin cùng chuyên mục