Bà mẹ trẻ này chia sẻ, ngay từ đầu năm học, tối nào chị cũng duy trì thói quen cùng con ôn bài trong khoảng 15 - 20 phút. Vấn đề ở chỗ con chị là bé trai, rất ham chơi, chưa quen với việc mỗi ngày phải ngồi vào bàn học từ sáng đến chiều.
“Tôi muốn dành thời gian tập cho con thói quen và niềm yêu thích trong học tập hơn là việc con sẽ viết bao nhiêu mặt giấy, có thuộc hết bài học trên lớp hay không”, vị phụ huynh này cho biết.
Chia sẻ của chị nhận được rất nhiều sự đồng tình, xen lẫn bức xúc từ các phụ huynh khác.
Một tài khoản bình luận: “Trẻ lớp 1 mới chuyển từ mầm non lên tiểu học nên ham chơi là bình thường. Huống chi, người lớn cũng cần thời gian thẩm thấu khi tiếp nhận cái mới, hà cớ gì mới vài tuần cô giáo đã kết luận bé khó lên được lớp 2”.
Một phụ huynh khác lên tiếng: “Mỗi nhà mỗi hoàn cảnh, không cha mẹ nào muốn bỏ mặc con mình. Cô giáo nhắn tin như vậy với ý tốt nhưng bệnh thành tích quá nặng”.
Vẫn là chuyện ở lớp học, nhiều phụ huynh cho biết do hiện nay sĩ số học sinh/lớp ở các trường tiểu học khá cao. Giáo viên lớp 1 không thể thường xuyên kiểm tra trình độ đánh vần của từng học sinh trên lớp, nên chọn cách đánh giá kết quả học tập của các con qua… chữ ký xác nhận của phụ huynh.
Cụ thể, các cô sẽ in một số phiếu bài tập đánh vần, dán vào vở tự học ở nhà của học sinh. Phía dưới mỗi phiếu bài tập đều chừa chỗ cho phụ huynh ký tên xác nhận con đã hoàn thành bài tập hay chưa, có ý kiến phản hồi gì với giáo viên. Đây là cách làm tốt giúp mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình thêm gắn kết, cha mẹ có thể đồng hành hoặc phối hợp cùng giáo viên trong việc dạy các con. Tuy nhiên, cũng từ đây nảy sinh nhiều tình huống bi hài như phụ huynh bận không ký tên, trẻ lập tức bị đánh giá “chưa hoàn thành bài tập”.
Học sinh đến trường trễ sẽ nhận đóng dấu biểu tượng mặt buồn vào sổ theo dõi, dù các em lớp 1, 2 chưa ý thức nhiều về mặt giờ giấc và chủ động trong việc đến trường. Gần các ngày lễ lớn trong năm học như khai giảng đầu năm, chào mừng ngày nhà giáo, tết nguyên đán, học sinh được yêu cầu ở lại lớp sau khi kết thúc các tiết học để tập dượt các tiết mục văn nghệ nhiều đến mức có em ngán ngẩm, sợ hãi chỉ vì “điểm văn nghệ sẽ được tính vào thành tích thi đua của cả lớp và điểm tham gia phong trào của từng học sinh”. Nhìn các con mồ hôi nhễ nhại, miệng liên tục than đói nhưng vẫn miệt mài tập văn nghệ cùng lớp, nhiều phụ huynh không khỏi chau mày.
Trẻ đến trường nếu không có niềm vui sẽ cảm thấy rất nặng nề, lâu dần nảy sinh tâm lý đối phó, không có ý thức chủ động, say mê trong học tập. Chúng ta đang đứng trước thời kỳ bước ngoặt trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Mong rằng đi theo đó, môi trường giáo dục thật sự được cởi trói, thầy - trò không còn vướng áp lực thành tích, điểm số.