Thời của công nghệ và mạng xã hội
Millennials (hay còn gọi là thế hệ gene Y) để chỉ những ai sinh từ năm 1981 đến năm 1996 và gene Z là thế hệ sinh từ năm 1997 trở đi. Đây là nhóm những người trẻ trưởng thành trong điều kiện đất nước phát triển và hội nhập, cùng với đó là sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội. Vì những lợi thế này, xu hướng chọn công việc của nhiều bạn trẻ hiện nay cũng thay đổi nhiều so với thế hệ trước, đặc biệt là khả năng kiếm tiền từ mạng xã hội. Freelancer (người làm việc tự do), Food stylist (sáng tạo cách trình bày món ăn qua hình ảnh), YouTuber, đầu tư tài chính tự do… là những công việc phổ biến được các bạn trẻ hiện nay lựa chọn.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành truyền thông nhưng Lê Quốc Hưng (22 tuổi, ngụ quận 7) chọn công việc trở thành Food stylist. Tập tành chụp ảnh và chỉnh sửa ảnh từ năm 2 đại học, đến năm 3 đại học, việc chụp ảnh đồ ăn, nước uống cho các quán cà phê, thức ăn nhanh trở thành công việc kiếm tiền sau giờ học của Hưng. Với sự hỗ trợ từ gia đình cùng số tiền dành dụm được, sau khi tốt nghiệp đại học, Hưng mở một sudio riêng cho mình chuyên về chụp ảnh ẩm thực.
“Ban đầu, khi chọn mở studio, tôi cũng dự tính khoản lỗ, nên buổi tối tôi vẫn đi làm gia sư để kiếm thêm. Nhờ chăm chút cho hình ảnh trên fanpage, khách biết đến studio nhiều hơn và bây giờ không chỉ là các quán ăn, nhà hàng mà đối tác hiện tại của tôi còn có nhiều resort, khu du lịch nghỉ dưỡng. Kiếm tiền từ công việc này không dễ cũng không khó, nhưng đòi hỏi phải có thời gian chăm chút từng hình ảnh, dù chỉ là một tấm hình đưa lên mạng cũng phải hoàn hảo nhất có thể, đó là cách khách hàng nhìn vào và đánh giá mình trước tiên”, Hưng chia sẻ.
Cũng như Quốc Hưng, nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ trên không ngừng tìm cách thoát khỏi những thứ ràng buộc của định kiến, của nhận thức để có thể phát triển tốt nhất với con đường mà mình đã chọn.
Định kiến kéo lùi thế hệ
Trở lại câu chuyện của quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020, một chiến thắng đầy tự hào của cô gái 17 tuổi, bỗng chốc trở thành tâm điểm cho một bộ phận không ít cư dân mạng chỉ trích. Thậm chí có người còn chế ảnh, ghép hình ảnh ăn mừng chiến thắng của cô với những vlogger mang tiếng xấu trước đó vì động tác giơ ngón tay khá giống nhau.
Sức mạnh của truyền thông mạng xã hội dần trở thành một áp lực vô hình không chỉ với quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020, mà một bộ phận bạn trẻ khác cũng chịu áp lực từ đây. Một hành động nhỏ cũng bị soi mói, đem ra chỉ trích và trong không gian đa chiều đó, mạnh ai nấy buông lời mặc kệ hậu quả và những tổn thương tinh thần sau đó của người trong cuộc. Trong số những tài khoản mạng xã hội chỉ trích cô gái, không chỉ có người trẻ mà còn có cả những người lớn tuổi.
Đứng trước một vinh quang, một phần thưởng lớn do chính nỗ lực và trí tuệ của mình làm nên thì người ta ăn mừng chiến thắng có điều gì là sai? Không nên tạo áp lực lên một cô gái 17 tuổi đã có khao khát được thắng giải ngay từ khi còn nhỏ. Người lớn luôn áp lực lên con trẻ, nhưng không thể đem áp lực đó đặt lên vai một thiếu nữ ở ngưỡng cửa vào đời. Không phải cứ chiến thắng là phải nhu mì, e ấp hay luôn miệng “khiêm tốn, học hỏi” mới là chiến thắng được tung hô. Đừng tạo định kiến đối với sự khác biệt.
Định kiến đối với người trẻ là điều dễ thấy hiện nay. Những áp lực về định kiến xã hội, nhất là công việc và thu nhập, khiến một số bạn trẻ ngày càng thu mình. Làm công việc beauty blogger (người làm video về chủ đề làm đẹp), giờ giấc làm việc tự do và không theo khuôn khổ nào, khiến Ngọc Yến (25 tuổi, ngụ quận 12) không ít lần phải giải thích trước gia đình và họ hàng.
“Ban đầu, để theo đuổi công việc này, tôi phải mất 3 tháng liền để thuyết phục ba mẹ, sau đó thì tới họ hàng. Nhiều cô bác tới nhà chơi và hỏi thăm về công việc khiến mình cũng ngại lắm, vì giờ giấc làm việc không cố định và không có một công ty cụ thể nào hết, mỗi hợp đồng là một công ty, nhãn hàng khác nhau. Đi sớm về muộn là chuyện bình thường, nhưng nhiều người ngoài họ hay nhìn vào, đánh giá không tốt, bạn bè thì đứa hiểu đứa không, thành ra sau những giờ làm video, hình ảnh về mỹ phẩm, tôi ít ra ngoài hay đi chơi là vậy. Bạn bè thân thiết thì thỉnh thoảng mới hẹn nhau, còn lại nói chuyện qua tin nhắn”, Ngọc Yến tâm sự.
Người trẻ hiện đại, trưởng thành trong điều kiện tốt hơn thế hệ trước, tuy nhiên đi kèm đó có không ít áp lực vô hình, nhất là áp lực về thành tích, công việc để khẳng định bản thân. Nhưng thực tế, ít người đặt mình vào vị trí người trẻ để hiểu áp lực của thế hệ, nhất là khoảng thời gian lập nghiệp.