Năm 2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chắc chắn rơi vào suy thoái. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang tiếp diễn. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ bất đồng nội bộ sâu sắc… Dịch Covid-19 vẫn là mối lo và ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việt Nam đã xác định ưu tiên hàng đầu cho phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe người dân, do đó, đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ.
Nhìn kỹ hơn vào các yếu tố cấu thành tăng trưởng, một tín hiệu đáng mừng là trong tháng 5 và tháng 6 (thời điểm nền kinh tế được mở cửa trở lại do dịch bệnh sớm được kiểm soát), sản xuất công nghiệp đã có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 và tháng 6 lần lượt tăng 11,9% và 10,3% so với tháng liền trước. Sức khỏe của doanh nghiệp (DN) cũng đã được cải thiện. Mặc dù tính chung 6 tháng đầu năm cả nước vẫn giảm 7,3% về số DN, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước, song số DN thành lập mới trong tháng 6 rất ấn tượng: 13.700 DN, tăng 27,9% so với tháng 5. Quan trọng hơn, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN chế biến, chế tạo cho thấy các DN kỳ vọng tình hình sản xuất - kinh doanh của quý 3 khả quan hơn quý 2.
Nếu có điều gì đáng phải cẩn trọng hơn cả chính là chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI). CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong tháng 6 của giai đoạn 2016-2020. Những năm trước, CPI tháng 6 so với tháng kề trước có năm còn giảm (năm 2017 giảm 0,17%; 2019 giảm 0,09%). Tháng 6, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tăng. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng chủ yếu là do các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng mạnh. Giá thực phẩm đã tăng 14,28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng giá thịt heo tăng 68,2% (làm CPI chung tăng 2,86%). Trong tháng 6, CPI còn bị tác động mạnh do giá xăng dầu bật tăng tới nhiều lần sau chuỗi giảm sâu kéo dài.
Không khó để nhận thấy, trước mắt sẽ còn rất nhiều thách thức, nhất là trong điều kiện nền kinh tế có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam, song làn sóng thứ 2 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới khiến các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn, đứt gãy. Thậm chí, do độ trễ, tác động từ bên ngoài đến kinh tế trong nước có thể còn rõ nét hơn trong quý 3, quý 4. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Về phía Chính phủ, quyết tâm khắc phục khó khăn đã nhiều lần được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. Đó là tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, nhất là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa.
Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích và hạn chế nhập khẩu phù hợp với tình hình sản xuất, cung cầu trong nước; nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng và hòa nhập được các quy định của Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA). Đặc biệt, trong bối cảnh đã có những dấu hiệu cho thấy rủi ro lạm phát thì sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa - tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác là hết sức quan trọng.
Ở một phía khác, nhiệm vụ ổn định kinh tế - xã hội, duy trì phát triển bền vững cũng sẽ là bất khả, nếu không có sự chung sức, đồng lòng của DN và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức và DN trong nước.