Việc ép con học thêm “học kỳ thứ ba” sẽ khiến học trò bị tước đoạt niềm vui bổ ích ngày hè.
Con muốn được nghỉ ngơi
Nghe mẹ thông báo từ ngày 2-6 khóa học hè của Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Thăng Tiến, Thăng Long (quận Tân Bình, TPHCM) bắt đầu khai mạc, một nam sinh đang học lớp 8 ở Trường THCS Ngô Sĩ Liên mặt mày buồn so vì bị ép đi học hè. Cháu bộc bạch rằng: “Vừa kiểm tra học kỳ hai xong và suốt năm học đã đi học thêm nên con chỉ muốn được nghỉ ngơi, ít nhất một tháng hè. Nếu có học thì từ tháng 7 cũng được. Thế nhưng, ba mẹ con lo lắng sang năm con vào lớp 9, nếu không học thêm để luyện thi 3 môn Toán, Văn, Anh văn thì khó thi đậu vào lớp 10 trường tốt. Mẹ chẳng bao giờ hỏi ý kiến của con, tự đi đăng ký học thêm và ép con phải học hè ngay đầu tháng 6”. Cũng theo nam sinh này, ngay sau khi kết thúc năm học cũ, hầu hết học sinh trong lớp đều đã chọn nơi học thêm hè ở nhà thầy cô có tiếng tăm hoặc trung tâm để luyện thi vào lớp 10.
Mùa hè, trường học nên tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, sáng tạo cho học sinh (Trong ảnh: Học sinh quận 1 tham gia sân chơi trải nghiệm sáng tạo)
Nằm ở hẻm 766 đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình, TPHCM), Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Thăng Tiến, Thăng Long thu hút rất đông học sinh các khối lớp học thêm với 3 ca - sáng, chiều, tối. Do nhu cầu đăng ký học hè khá đông nên trung tâm đặt một chiếc bàn dài cùng đội ngũ nhân viên nhiệt tình hướng dẫn phụ huynh đến đăng ký. Học sinh sẽ được kiểm tra đầu vào để xếp lớp theo năng lực trình độ. Mức học phí của các môn tự nhiên như Toán - Lý là 750.000 đồng/tháng; Văn và Anh văn: 260.000 đồng/tháng.
Tương tự, nhiều trung tâm văn hóa ngoài giờ trên địa bàn TPHCM cũng đang rầm rộ quảng bá khai giảng các khóa học hè từ lớp 6 - 12 ngay từ đầu tháng 6 này. Thậm chí có nơi còn đưa ra độc chiêu “dạy trước chương trình và bài tập cơ bản; dạy nâng cao và đảm bảo làm bài kiểm tra đạt điểm cao”.
Tuy nhiên, điểm nóng thu hút đông đảo phụ huynh đến đăng ký học hè cho con em vẫn là Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng. Cách đây khoảng 1 tuần, hàng trăm phụ huynh phải xếp hàng dài dằng dặc, chờ đợi từ sáng đến chiều tại văn phòng (đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TPHCM) để đăng ký suất học hè cho con. Nhiều phụ huynh chấp nhận chờ đợi ở hành lang, cầu thang chờ lấy phiếu đăng ký. Họ mang theo giấy khen, sổ liên lạc, bảng điểm để chứng minh học lực của con em mình.
Theo nhiều phụ huynh, họ tin tưởng vào uy tín, thương hiệu lâu năm của Trung tâm 218 Lý Tự Trọng và hy vọng con mình học ở đây sẽ đạt được kết quả học tập cao nhất, chạm vào giấc mơ đại học lẫn du học. Trước đây, trung tâm thuê được mặt bằng của các trường học thuộc quận trung tâm nên thu hút số lượng học sinh học thêm lên đến hàng ngàn em. Còn bây giờ, do ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) TP không cho thuê mặt bằng trường học nên trung tâm thu gọn lại, chỉ tổ chức dạy thêm ở 2 cơ sở của mình. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc khó đăng ký học thêm, học hè ở Trung tâm 218 Lý Tự Trọng.
Triệt tiêu khả năng tự học và sáng tạo
Từ thực tế trên cho thấy nhu cầu học thêm, học hè ở TPHCM vẫn gia tăng chứ không hề giảm. Ngoài đăng ký ở các trung tâm văn hóa ngoài giờ, phụ huynh còn “chọn mặt gửi vàng” ở hàng ngàn điểm dạy thêm của giáo viên các cấp học. Vẫn biết dạy thêm học thêm là một nhu cầu, nhưng nó đang bị nhiều phụ huynh lạm dụng. Vì luôn đặt kỳ vọng, ước muốn con cái học giỏi, thi đậu vào các trường có thương hiệu nên họ đã ép con học thêm quá nhiều. Vì thế, thay vì được nghỉ ngơi, xả hơi sau 9 tháng chạy đua học hành, thi cử căng thẳng, nhiều học sinh lại bị tước đoạt mùa hè. Có cầu ắt có cung và biến tướng trong dạy thêm sẽ khó kiểm soát, quản lý, dù TPHCM đã có chủ trương hạn chế dạy thêm học thêm.
Trong đợt khảo sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM với UBND quận 10 mới đây, ông Nguyễn Thành Văn, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 10, cũng thừa nhận việc dạy thêm học thêm ngoài nhà trường khó kiểm tra, quản lý dù quận thường xuyên tuyên truyền. Tình trạng giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà hoặc thuê mướn địa điểm vẫn phổ biến. Lý giải thực trạng này, ông Văn cho rằng nguyên nhân là do nhiều phụ huynh kỳ vọng quá lớn vào con em mình nên vô tình tạo áp lực, buộc các em phải học thêm quá nhiều.
Chia sẻ về vấn nạn dạy thêm học thêm còn tràn lan, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM, lo lắng: “Khả năng tự học của học sinh bây giờ ngày càng kém, vì phải lệ thuộc vào thầy cô quá nhiều”. Theo bà, nhà trường, giáo viên phải quan tâm đến việc tự học, rèn cho các em phương pháp tự học là chính. Đừng vì lý do gì mà bắt các em phải học quá nhiều kiến thức, không còn thời gian rèn luyện các kỹ năng khác để phát triển toàn diện hơn. Để học sinh không bị tước đoạt tuổi thơ, tuổi trẻ năng động được sống với chính đam mê, sở thích của mình thì các bậc phụ huynh phải thay đổi nhận thức, quan điểm. Cần cân nhắc giữa việc cho con cái học thêm quá nhiều và thiếu cân bằng với vui chơi, giải trí lành mạnh để phát triển tâm hồn hài hòa, nhân văn. Theo cảnh báo của các chuyên gia giáo dục, học thêm quá nhiều, chạy đua theo thành tích học tập đang biến việc học trở thành khổ sai, hủy diệt khả năng tự học và sáng tạo của học sinh các cấp.