Áp lực hay thong dong

Nhiều tranh luận từ cộng đồng mạng quanh chia sẻ của một MC về chuyện sinh con, cùng với đó là những ngày tết sắp tới, câu hỏi “Bao giờ lập gia đình?”, “Chừng nào sinh con?”… trở thành nỗi niềm của không ít bạn trẻ. Liệu trong guồng quay của xã hội hiện đại, người trẻ có thể lựa chọn thong dong sau những áp lực vô hình?

Thước đo hạnh phúc

Một thuật toán mà không cần phải quá cao siêu về công nghệ hay nghiên cứu sâu về các nền tảng mạng xã hội, chỉ cần tạo một tài khoản thì ai cũng dễ dàng nhận thấy, hình ảnh, video muốn nhiều lượt like (thích) thì bắt buộc phải thật sang chảnh. Sống theo sự hào nhoáng trên trang cá nhân, một bộ phận người trẻ tự áp lực chính mình với những lần check-in trên du thuyền sang trọng, tủ đồ hiệu, hay siêu xe thời thượng…, để rồi phải vùi mình trong công việc để bù lại những khoản chi quá tay.

Thay điện thoại và các loại phụ kiện công nghệ liên tục, không ít lần rơi vào tình trạng rỗng ví, nhưng với Thiện T. (28 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận 5, TPHCM) đó như một trải nghiệm. T. chia sẻ: “Xài trước trả sau mà, tôi thích là cà thẻ hoặc mua trả góp thôi, ỷ y như vậy nên đi làm quanh năm mà không có dư là vậy. Có lần, cần tiền gấp tôi phải gọi về nhà mượn ba mẹ, sau lần đó cũng học cách tiết kiệm, nhưng khoản tiết kiệm cũng không được bao nhiêu vì đã quen tay cầm điện thoại mới, có đồ công nghệ hay hay là phải mua cho bằng được”.

Câu chuyện của T. cũng không phải là ngoại lệ, khi vật chất hay vẻ bề ngoài trở thành thước đo hạnh phúc với một bộ phận người trẻ. Tham gia đủ các lớp học từ múa, đàn, vẽ và yoga, mỗi lớp học là vài lần tạo dáng thật đẹp để có hình chia sẻ lên trang cá nhân, Hoàng Thị Xuân Q. (25 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) kể: “Học cái gì hot là tụi bạn rủ tui đăng ký, đến lớp vài bữa, chụp hình xôm tụ rồi cũng nản, vậy là bỏ cuộc. Cái gì cũng biết có một chút nên vẽ không xong mà đàn cũng chưa biết, nhưng thích là chạy theo trào lưu. Có khóa học gần cả chục triệu mà cũng chỉ đến lớp một nửa là thôi”.

Thước đo thành công, hạnh phúc dễ nhìn thấy nhất là dịp cuối năm hay lễ tết, trào lưu tổng kết những gì mình có khiến không ít người trẻ tự mang cho mình áp lực đồng trang lứa.

t6a-7209.jpg
Bạn trẻ tìm giá trị hạnh phúc tự thân trước guồng quay áp lực của công việc, học tập. Ảnh: TOONG

“Chia sẻ một tấm hình cầm điện thoại mới, chiếc xe xịn thì lượt thích và bình luận ào ào, còn chia sẻ một cành hoa hay cuốn sách chẳng mấy ai quan tâm. Có lần tôi cũng bị ám ảnh bởi thói quen sang chảnh từ mạng xã hội, cày ngày cày đêm để mua cái điện thoại xịn nhất, chụp hình đẹp hơn một chút nhưng phải tốn một mớ tiền thuốc vì làm việc tăng ca liên tục khiến cơ thể đổ bệnh”, Hoàng Phương N. (27 tuổi, nhân viên kiểm toán, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) kể.

Đừng sợ định kiến

Câu chuyện định kiến tưởng chừng như một điều lạc quẻ trong xã hội hiện đại, nhưng với không ít người trẻ, nó như một áp lực vô hình mà bản thân luôn nơm nớp sợ. Chuyện lập gia đình trở thành nỗi ám ảnh với Lê Thị Phương T. (28 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM), khiến cô phải tham gia các diễn đàn hẹn hò, ứng dụng tìm người yêu.

T. chia sẻ: “Thực sự tôi không thiếu kết nối xã hội, nhưng bản thân cảm thấy chưa sẵn sàng để lập gia đình, nhưng ba mẹ cứ hối thúc và ám ảnh tuổi già quạnh vắng cũng làm mình thấy sợ. Vậy là tôi tham gia mấy nhóm kết bạn trên mạng, tải app hẹn hò... cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ là cố để giảm bớt ám ảnh chuyện con gái có lứa có thì, hay tuổi già hiu quạnh như mọi người quanh mình vẫn hay nói”.

Sợ định kiến của hàng xóm khi nói về con gái làm những công việc liên quan đến trang điểm, Nguyễn Ngọc H. (28 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) đành chọn vào đại học với chuyên ngành quảng cáo, dù bản thân yêu thích công việc thợ trang điểm, làm tóc. H. chia sẻ: “Có tấm bằng đại học trong tay rồi cũng ráng đi làm gần 2 năm để ba mẹ không lo, nhưng nản quá tôi bỏ việc, đi học lớp trang điểm chuyên nghiệp và quyết tâm mở studio. Dám sống với sở thích của mình không dễ đâu, lời dị nghị từ bên ngoài đã đành, mình còn phải đối mặt, giải thích, nỗ lực làm việc để cho người thân thật sự tin tưởng và yên lòng nữa”.

Câu chuyện định kiến của H. vẫn chưa dừng lại ở nghề nghiệp, khi H. lập gia đình đã hơn 4 năm mà vợ chồng vẫn chưa có tin vui. “Tết này chắc cũng như năm rồi thôi, chỗ nào nói chuyện vui vẻ thì vợ chồng tôi lui tới, còn áp lực chuyện sinh con thì thôi mình né. Mỗi nhà mỗi cảnh, và chuyện lập gia đình hay sinh con phải là thuận duyên thì tới thôi, nhưng điều này không dễ giải thích với tất cả mọi người”.

Đối mặt với định kiến hay tìm một thước đo hạnh phúc cho riêng mình không phải là điều dễ dàng, khi người trẻ hiện đại còn chịu nhiều ảnh hưởng từ các nền tảng mạng xã hội, sự hào nhoáng từ “bẫy” sang chảnh của triệu lượt like, triệu lượt theo dõi… Nhưng hạnh phúc, thong dong, bình an nội tại hay gồng mình vì áp lực, mỗi người đều có thể tự chọn và thiết kế cho mình một lối sống thích hợp.

Tin cùng chuyên mục