Cao ốc ken đặc
Cứ đến giờ cao điểm, đường Phổ Quang (dài gần 3km từ quận Phú Nhuận qua quận Tân Bình) lại chật cứng dòng người, xe cộ. Chừng 5 năm trở lại đây, một đoạn đường Phổ Quang chừng 500m như bị “bóp” lại bởi hàng loạt công trình nhà ở “khủng”: đầu tiên là khu Sky Center, tiếp theo là Golden Mansion rồi The Botanica.
Từ đường Phổ Quang đi tiếp một đoạn là gặp ngay tòa nhà Orchard Garden tại số 128 Hồng Hà, cao 18 tầng; sát ngay cạnh là Orchard Park View cao 24 tầng. “Đường không mở rộng, vỉa hè, cống thoát nước không cải tạo từ nhiều năm nay, vậy mà trong thời gian ngắn phải gánh thêm trên 10.000 căn hộ. Hạ tầng nào mà chịu xiết”, một người dân sống lâu năm trên đường Phổ Quang ngao ngán.
Trong khi đó, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) vừa mới được nâng cấp chống ngập nhưng cũng chịu áp lực rất lớn. Con đường có chiều dài 3,2km nối từ chân cầu Sài Gòn, đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) đến đường Tôn Đức Thắng (quận 1) nhưng phải gánh nhiều cao ốc như Saigon Pearl, The Maror và nhiều nhất là 2 khu đô thị ở 2 đầu đường là khu Tân Cảng rộng trên 45ha và khu Cảng Ba Son trên 24ha.
“Với dân số cơ học tăng lên hàng chục ngàn người nhưng đường sá, ống cấp nước, cống thoát nước không nâng cấp cho phù hợp thì sớm muộn cũng gây hệ lụy”, ông Hoàng Thanh (ngụ đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) cảnh báo.
Ghi nhận của chúng tôi, một loạt tuyến đường Bến Vân Đồn (quận 4), Hoàng Văn Thụ (gần nút giao Lăng Cha Cả - cửa ngõ ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình)… dày đặc các cao ốc, chung cư cao tầng. Lưu lượng xe ra vào các tòa nhà này cộng với dòng phương tiện từ các tuyến đường khác gây ách tắc thường xuyên cho khu vực.
Phải đồng bộ hạ tầng
Không chỉ có cao ốc bao lấy đường ở khu vực nội thành, tại các quận ven, huyện ngoại thành, đường sá, cầu cống cũng đang chịu áp lực rất lớn bởi các khu đô thị, khu dân cư mới. Điển hình như, mới chỉ có cư dân của 10.434 căn hộ giai đoạn 1 vừa được bàn giao của dự án Vinhomes Grand Park (TP Thủ Đức), áp lực dân số tăng đột biến đã đè nặng lên hệ thống hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, nhất là đường Nguyễn Xiển - lối đi duy nhất của dự án.
Giữa năm 2020, khi cư dân khu dự án chuyển đến ở ngày một đông, tình trạng ùn ứ, chen chúc trên đường Nguyễn Xiển (đoạn từ ngã ba Nguyễn Xiển - Lò Lu đến giao lộ Nguyễn Xiển - Nguyễn Văn Tăng) ngày càng nặng nề.
Con số từ Công ty cổ phần Phát triển Thành phố xanh (chủ đầu tư Vinhomes Grand Park) cho thấy, tình trạng tắc đường kẹt xe trên đường Nguyễn Xiển đã được báo trước và nguy cơ ngày càng nghiêm trọng. Con đường rộng 10m phải gánh thêm khu dự án có quy mô 271ha, gồm 400 căn biệt thự, 1.600 căn nhà phố và 72 tòa nhà cao từ 26 đến 36 tầng, với 40.000 căn hộ.
Bà Lê Thị Kim Liên, Chủ tịch UBND phường Long Thạnh Mỹ, cho biết, dân số tăng cơ học đột biến 250.000 dân (gấp 10 lần trước đây) trong một thời gian ngắn, không chỉ là thách thức đối công tác quản lý mà tạo áp lực đè nặng lên hệ thống hạ tầng đường sá, cấp thoát nước… Trong khi, dự án nâng cấp, mở rộng đường Phước Thiện, Nguyễn Xiển lên 30m đã được chính quyền bàn thảo với chủ đầu tư nhưng chưa đi đến đâu!
Tại nhiều kỳ họp HĐND TP vừa qua, rất nhiều đại biểu đã lên tiếng lo ngại tình trạng một số tuyến đường tại khu vực nội thành đang ngày càng quá tải bởi nhà cao tầng, dự án nhà ở ken đặc. “Khi xin dự án, chủ đầu tư đều có căn cứ, lý giải đáp ứng quy hoạch, hạ tầng để được phê duyệt nhưng khi triển khai thì lo bán nhà xong là rút êm”, một chuyên gia đô thị nhìn nhận.
Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay tại các quận nội thành, các điều kiện hạ tầng bao gồm dịch vụ cấp thoát nước, giao thông, trường học, bệnh viện đã ổn định. Nếu có thêm các dự án cao tầng sẽ khiến hạ tầng bị quá tải.
Khi đó, TP cần phải làm lại hạ tầng mới để đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng sẽ rất khó khăn. Do đó, việc siết chặt dự án xây nhà cao tầng trong khu trung tâm và ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng tại vùng ven, ngoại thành nhưng phải đáp ứng hạ tầng.
Luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, tình trạng cao ốc, dự án nhà ở “đè” hạ tầng là do thiếu kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Năm 2014, UBND TP đã ban hành Quyết định số 29/2014 quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TPHCM.
Điều 61 của quyết định này quy định tổ chức triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, triển khai đồng bộ các dự án xây dựng giao thông và phát triển đô thị; nâng cao chất lượng thiết kế kiến trúc và cảnh quan các công trình kỹ thuật đô thị. Theo quy định này, việc phát triển nhà ở phải đi liền, đồng bộ với hạ tầng đường sá.
“Quy định đã có nhưng cán bộ buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra nên dẫn đến hậu quả khó giải quyết như hiện nay”, luật sư Đoàn Quang Xuân nói và kiến nghị cùng với việc yêu cầu chủ đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng kết nối trước khi bán căn hộ, nhà ở, cơ quan chức năng khi xem xét thẩm tra dự án, ngoài đánh giá tác động môi trường cần phải có thẩm định, đánh giá tác động liên quan hạ tầng giao thông.