Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu không nới trần nợ công, bội chi thì chắc chắn sẽ không có nguồn lực phục hồi, phát triển kinh tế. Nhưng nếu nới quá cao mà không kiểm soát được sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế và còn “nguy hiểm hơn”.
“Nhưng nới bao nhiêu, 1% hay 2%? Huy động vốn cách nào? Huy động được thì sử dụng ở đâu cho hiệu quả?”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt câu hỏi và cho biết, hiện các bộ, ngành đang tính toán và đã có kịch bản “nhưng chưa báo cáo dịp này vì còn tính toán, báo cáo các cấp có thẩm quyền trước khi báo cáo ĐB”.
Bày tỏ quan điểm về điều hành chính sách tiền tệ, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2022, áp lực, rủi ro lạm phát lớn khi kinh tế thế giới phục hồi khiến giá cả tăng, ví dụ giá xăng dầu tháng 9 tăng 55% so với cuối năm trước, lạm phát của Mỹ tháng 9 tăng 5,3%. Các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện cũng giảm dần nới lỏng chính sách và đã có 65 lượt tăng lãi suất. Việt Nam có độ mở cửa lớn, đạt 200% GDP nên sẽ mang đến rủi ro lạm phát nhập khẩu. Áp lực điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ rất lớn.
Đặc biệt, ở trong nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng. Vừa qua, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất bằng nguồn lực tài chính của mình và khi nợ xấu tăng thì sẽ dùng nguồn lực này để xử lý. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng chi trả, an toàn hệ thống.
Về giải pháp, theo bà Nguyễn Thị Hồng, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất và đảm bảo tỷ lệ an toàn hệ thống; phối hợp các bộ để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, liều lượng hợp lý nhằm ổn định vĩ mô.
Đề cập về gói kích cầu, theo người đứng đầu Bộ Tài chính, nếu 2 năm 2022-2023 bỏ ra 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 4% lãi suất thì sẽ huy động được khoảng 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế mà không làm tăng bội chi vì nguồn này lấy nguồn đầu tư chưa phân bổ giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng bày tỏ băn khoăn về việc khả năng hấp thụ vốn của các lĩnh vực và nền kinh tế; đồng thời cho rằng cần bỏ tiền vào các dự án trọng điểm, tạo đột phá tăng trưởng. Do đó, chúng ta phải chuẩn bị dự án nhanh, trong điều kiện đặc biệt; thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa - tiền tệ…
Về điều hành chi, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong chi thường xuyên, khi phân bổ, bộ đã cắt giảm 10% so với định mức và trong điều hành sẽ tiếp tục cắt giảm 10%; chi cho đầu tư phát triển một cách hiệu quả…