Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Malaysia Mohamad Mahathir đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu cát biển từ tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, thông tin về lệnh cấm này chỉ xuất hiện những ngày qua. Theo báo Telegraph ngày 8-7, Malaysia sẽ ngưng xuất khẩu số cát trị giá khoảng 227 triệu bảng Anh cho Singapore, chiếm 97% nhu cầu cát của nước này.
Reuters dẫn lời các quan chức Malaysia cho biết, Thủ tướng Mahathir không hài lòng khi đất của Malaysia đang được sử dụng để tăng quy mô lãnh thổ của người hàng xóm giàu có (Singapore). Tuy nhiên, ông Endie Shazlie Akbar, Thư ký báo chí của Thủ tướng Mohamad Mahathir, cho biết, các quyết định ngưng xuất khẩu liên quan đến những cân nhắc về môi trường và để ngăn chặn nạn buôn lậu cát. Ngoài ra, còn có mối quan ngại khác là nạn tham nhũng của quan chức Malaysia liên quan đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Các nguồn tin trên cũng cho biết, lệnh cấm không được công khai vì có khả năng ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước, vốn căng thẳng xung quanh tranh chấp lãnh thổ và nguồn tài nguyên.
Còn báo Telegraph cho rằng, Malaysia chặn nguồn cung cát có nghĩa là Singapore sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung từ Myanmar, Bangladesh và Philippines…, những nước mà nguồn cung cát có thể không đủ đáp ứng cho Singapore. Hồi tháng 5, một báo cáo của LHQ đã cảnh báo mức độ khai thác và “chi tiêu” tài nguyên cát trên toàn thế giới lớn hơn đáng kể so với tốc độ mà nó có thể được bổ sung. Báo cáo cũng kêu gọi nâng cao năng lực quản trị toàn cầu để quản lý tốt hơn, bền vững hơn nguồn tài nguyên quan trọng này.
Việc khai thác cát được quy định khác nhau trên khắp thế giới. Thực tế, những khu vực quan trọng đối với đa dạng sinh học và hệ sinh thái đã trở nên dễ bị tổn thương hơn từ việc thực hiện các quy định khai thác địa phương. Xu hướng ngày càng tăng của khai thác không bền vững và bất hợp pháp trong các hệ sinh thái biển, ven biển và nước ngọt đã trở thành một thách thức bền vững đối với môi trường trên cạn, ven sông và biển. Báo cáo cũng cảnh báo rằng, các vấn đề về môi trường do khai thác cát bừa bãi sẽ ảnh hưởng ngành công nghiệp du lịch của nước xuất khẩu, do các bãi biển bị khai thác cát sẽ trở nên nhỏ hơn. Khai thác cát cũng có thể làm giảm số lượng loài cua, gây thiệt hại cho những người kiếm sống bằng mua bán sinh vật biển.
Trước Malaysia, Campuchia cũng đã ngừng xuất khẩu cát sang Singapore vào năm 2017, gây nên một cuộc “khủng hoảng cát” ở đảo quốc sư tử, khiến các hoạt động xây dựng gần như ngưng trệ. Indonesia cũng áp đặt lệnh cấm tương tự cùng năm, với lý do lo ngại về môi trường. Dù với lý do gì đi nữa, Singapore có thể phải đối diện với nhiều áp lực trong công cuộc “lấp biển mở đất” . Trong số này có kế hoạch phát triển siêu cảng Tuas, dự kiến trở thành cảng container lớn nhất thế giới. Tham vọng mở rộng lãnh thổ lên hơn 300 dặm vuông vào năm 2030 (từ 224 dặm vuông sau khi giành độc lập năm 1965 lên đến 280 dặm vuông hiện nay) có thể khó thành hiện thực.