Báo cáo cho hay, tính đến hết tháng 9, các Tòa án đã thụ lý 537.577 vụ việc, đã giải quyết được 436.660 vụ việc (đạt tỷ lệ 81,2%). Số vụ việc đã thụ lý cũng như số vụ đã giải quyết đều giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều vụ việc không thể mở phiên tòa, phiên họp theo kế hoạch.
Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ; vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường; Công ty Gang thép Thái Nguyên,… Đã đưa ra xét xử 136 vụ với 177 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật.
Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã thụ lý 10.728 vụ; đã giải quyết, xét xử được 5.693 vụ (đạt tỷ lệ 53,1%). TAND tối cao đã chỉ đạo các Tòa án chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; nghiên cứu, thí điểm việc tổ chức các buổi đối thoại bằng hình thức trực tuyến; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan. Nhờ đó, không có vụ án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan.
TAND tối cao hiện đang tích cực nghiên cứu dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên để trình Quốc hội vào năm 2022. Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn xét xử tội phạm tham nhũng và chức vụ; Nghị quyết hướng dẫn về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Nghị quyết hướng dẫn xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, chỉ đạo áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử các loại tội phạm này.
TAND tối cao đã công bố thêm nhiều án lệ. Trong năm qua, có hơn 200 bản án của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ.
Theo báo cáo, hoạt động của các Tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như một số chỉ tiêu Quốc hội giao thực hiện thấp hơn các năm trước; tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; tổ chức bộ máy của các Tòa án chưa thực sự tinh gọn, cơ cấu đội ngũ công chức TAND các cấp còn thiếu…
Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường gây rất nhiều khó khăn cho Tòa án khi thực hiện nhiệm vụ; mỗi năm trung bình các Tòa án thụ lý hơn 600.000 vụ việc trong khi đó số lượng biên chế cán bộ, Thẩm phán chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến áp lực, khó khăn rất lớn với Tòa án.
Năm 2022, ngành đề ra mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, TAND tối cao đã đề ra. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Tòa án điện tử; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch hoạt động của Tòa án.