71% rác thải vẫn xử lý bằng chôn lấp
Theo Bộ TN-MT, lượng chất rắn thải sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó CTRSH đô thị chiếm 37.000 tấn/ngày, CTRSH nông thôn 24.000 tấn/ngày. Địa phương có khối lượng phát sinh lớn là TPHCM với khoảng 9.100 tấn/ngày; Hà Nội 6.500 tấn/ngày; Thanh Hóa 2.246 tấn/ngày; Bình Dương 1.764 tấn/ ngày; Đồng Nai 1.838 tấn/ngày…
Lượng CTRSH này chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (71%), 16% bằng phương pháp compost và 13% bằng phương pháp đốt. Cả nước hiện có 900 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, trong đó có nhiều bãi không hợp vệ sinh, vẫn còn tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí (mùi), hoặc thu hút động vật (ruồi, gián, chuột) ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh. Cả nước cũng mới chỉ có 380 lò đốt, trong đó chỉ có khoảng 294 lò có công suất trên 300kg/giờ (chiếm 77%).
Theo đánh giá của ông Đỗ Tiến Đoàn, Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường), công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH hiện còn gặp nhiều khó khăn. Công tác phân loại mới chỉ được thực hiện thí điểm tại một số nơi theo phong trào, thiếu đồng bộ. Phương tiện vận chuyển chưa đáp ứng nhu cầu, vẫn còn gây rò rỉ nước thải hoặc gây ô nhiễm mùi trong quá trình vận chuyển. Nhiều trạm trung chuyển, một số điểm tập kết còn có hiện tượng tồn đọng chất thải kéo dài, gây mùi khó chịu, ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Trong khi đó, công nghệ xử lý CTRSH nhập khẩu không phù hợp với thực tế chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của CTRSH thấp, độ ẩm của không khí cao. Chúng ta chưa có định hướng triển khai công nghệ xử lý CTRSH phù hợp cho từng loại công nghệ xử lý. “Trước thực trạng CTRSH phát sinh ngày càng tăng, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý cần phải được triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn”, ông Đoàn kiến nghị.
Hiện đại hóa công nghệ xử lý
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Doanh nghiệp khoa học - công nghệ Công Nghệ Mới (Newtech), nhìn nhận CTRSH tại Việt Nam có đặc tính là chất thải hỗn hợp chưa được phân loại tại nguồn, có độ ẩm cao và được bao gói trong nhiều lớp ni lông. Với đặc tính này, để xử lý CTRSH cần phải đầu tư nhiều công đoạn và máy móc thiết bị phân loại tái chế, với suất đầu tư và chi phí vận hành cao.
Để xử lý CTRSH đạt hiệu quả, ông Tài đề xuất giải pháp công nghệ ủ phân hủy cơ vi sinh và nhiệt phân rác nhựa kết hợp đốt tiêu hủy với nguyên lý “xử lý trước, phân loại sau”. Theo đó, CTRSH được thu gom về hàng ngày đưa vào máy nghiền thô, máy nghiền thô được tích hợp thiết bị phun sẽ phun chế phẩm sinh học ở dạng sương. Dưới tác dụng máy nghiền, CTRSH được tách rời ra khỏi các bao chứa, giảm kích thước và được trộn đều với chế phẩm sinh học.
CTRSH tập kết về trong ngày sẽ được xử lý ngay, không cần phải lưu chứa giảm ẩm trước khi xử lý, giúp hạn chế phát sinh mùi hôi, côn trùng và nước rác rò rỉ. Sau đó, tiến hành ủ phân hủy các chất hữu cơ sinh học. CTRSH sau khi đã qua quá trình ủ có độ ẩm thấp và các chất hữu cơ sinh học bị phân hủy tơi được phân loại dễ dàng bằng một máy sàng lồng, một máy sàng rung, một máy thổi tách ni lông và băng tải phân loại thủ công để thu hồi phân thô, ni lông và các phế liệu có giá trị. Rác ni lông, nhựa và cao su thu hồi từ quá trình phân loại sau khi được ép kiện sẽ được nạp vào lò quay nhiệt phân kín cùng với xúc tác nhiệt phân. Dưới tác dụng của nhiệt độ và xúc tác, rác sẽ bị nhiệt phân ở nhiệt độ 380°C - 430°C trong điều kiện văng oxy để thu hồi sản phẩm dầu nhiệt phân và than bột.
Việc tìm kiếm, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn nói chung, CTRSH nói riêng, để đầu tư phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường của các địa phương là vấn đề cấp thiết. Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050, nêu rõ mục tiêu: Đến năm 2025, có 90% tổng lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu giảm tỷ lệ CTRSH xử lý bằng phương pháp chôn lấp…
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên ưu tiên đầu tư các nhà máy xử lý CTRSH tập trung, công nghệ hiện đại và công suất lớn, nhất là các nhà máy áp dụng công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến.