Chỉ riêng việc giữ cho những “động mạch ngầm” già cỗi hoạt động tốt là một công việc vô cùng phức tạp và tốn kém, ước tính lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm. Chính quyền các thành phố cùng các công ty dịch vụ đã huy động các thiết bị hiện đại như máy bay không người lái (bay trong lòng các cống ngầm), robot thu thập thông tin, máy móc chuyên dụng điều khiển từ xa nhằm tăng hiệu quả quản lý và giảm chi phí bảo trì. Những thiết bị này tích hợp máy ảnh, sóng siêu âm, tia laser và các cảm biến khác, có khả năng sử dụng máy cắt bằng tia nước có thể cắt xuyên bê tông, rễ cây và các khối rác sinh hoạt khổng lồ tích tụ lâu ngày gây tắc cống. Một số thiết bị cũng có thể sửa chữa các đường ống bị rò rỉ bằng cách sử dụng chất dẻo cùng tia cực tím để trám vết nứt. Các công cụ này dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tính tự động hóa cao, thay thế nhiều nhân công.
Theo báo Wall Street Journal, hệ thống nước thải đô thị Mỹ đa phần đã quá hạn sử dụng từ lâu nên bê tông cốt thép xuống cấp, kèm theo lượng nước thải và nước mưa lớn. Hệ thống này quá tải kéo theo hậu quả rất nghiêm trọng như làm lây lan dịch bệnh, gây ngập lụt, ô nhiễm sông, suối, hồ, bãi biển và đại dương. Theo Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Mỹ, thống kê mới nhất cho thấy, tổng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng xử lý nước thải ở Mỹ trong năm 2019 là 48 tỷ USD, trong khi tổng nhu cầu là 129 tỷ USD. Dự luật cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD vừa được Quốc hội Mỹ thông qua, bao gồm 55 tỷ USD chi cho cơ sở hạ tầng liên quan đến nước. Chưa đến một nửa số tiền đó dành riêng cho xử lý nước thải, bao gồm các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản vay lãi suất thấp cho các thành phố và tiểu bang để sửa chữa hệ thống cống thoát nước.
Tập đoàn HK Solutions hiện chuyên kiểm tra hệ thống thoát nước bằng công nghệ AI cho hơn 150 thành phố của Mỹ với quy mô dân số từ 5.000 người đến 5 triệu người. Giám đốc của HK Solutions cho biết, nếu không có AI, công việc này đòi hỏi rất nhiều nhân công và kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng để xử lý. Trong khi đó, dùng AI chỉ mất vài ngày. Khi công nghệ AI lập bản đồ hoàn chỉnh hệ thống thoát nước của các thành phố xong, robot sẽ vào cuộc. Sau khi dùng máy cắt tia nước thổi bay rác và các vật cản khác, robot có thể dán miếng vá bên trong đường ống hay sửa chữa bằng tia cực tím. Ông Bart van der Zalm, giám đốc bán hàng của Công ty Sewer Robotics, cho hay, robot hoạt động ngay cả khi đường ống vẫn có nước chảy qua. Theo ông, robot bánh xích với nhiều chức năng khác nhau đã được sử dụng ở châu Âu trong nhiều năm, nhưng ngành công nghiệp nước thải của Mỹ đã chậm chân trong việc áp dụng những công nghệ như vậy.
Về lý thuyết, tất cả công nghệ này có thể cho phép các nhà thầu và chính quyền thành phố kiểm tra, sửa chữa các hệ thống cống thoát nước nhanh hơn, hiệu quả hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, điều mà robot không thể làm là nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ hệ thống thoát nước hoặc gia tăng khoản đầu tư công cần thiết.