Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, hệ thống NHTM Việt Nam phải chủ động nhận thức và sẵn sàng tham gia vào quá trình hội nhập để có thể biến những thách thức thành cơ hội, biến những khó khăn thành lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của các ngân hàng. Việc áp dụng Basel II tại các NHTM Việt Nam là một xu thế phù hợp với yêu cầu hoạt động và quá trình hội nhập quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank, việc áp dụng Basel II không chỉ tuân thủ quy định của cơ quan quản lý mà chính vì bản thân ngân hàng để hoạt động ổn định lâu dài, đảm bảo phát triển bền vững, không bị sốc trong các cuộc chơi.
Tuy nhiên, bà Sơn cũng thừa nhận, việc áp dụng Basel II cũng có những khó khăn nhất định. Đó là nguồn lực con người; nguồn lực tài chính; hệ thống cơ sở dữ liệu rời rạc… Ví dụ như khó khăn nguồn lực tài chính sẽ phát sinh khi áp dụng Basel II là ảnh hưởng đến giá vốn. Nếu như cho vay khoản vay bất động sản thì tỷ lệ rủi ro áp dụng là 100% nhưng áp dụng Basel II là 200%. Điều này sẽ làm tăng chi phí và để xử lý, ngân hàng hoặc phải tăng lãi suất với người vay cuối cùng hoặc giảm chi phí. Và, lựa chọn chủ quan, tốt hơn là quay về kiểm soát chi phí.
Các kết quả từ các nghiên cứu cũng cho thấy, việc triển khai áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm thì tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng đã cao hơn 10% (vượt so với quy định 9%) tuy vậy vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực; các NHTM rất nỗ lực để hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản trị rủi ro nhưng rủi ro về nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn; vấn đề khác biệt về chuẩn mực kế toán và công bố thông tin hiện tại so với chuẩn mực quốc tế.
Khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra là Quốc hội và Chính phủ, cần định hướng phát triển thị trường mua bán nợ, hoàn thiện hoạt động của công ty mua bán nợ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vấn đề bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng theo các chuẩn mực quốc tế, tăng cường năng lực tài chính của các NHTM; thực hiện lộ trình áp dụng Basel II tại các ngân hàng cùng với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng…
Với các NHTM, điều cần quan tâm là chú trọng nguồn nhân lực triển khai dự án Basel II tại các ngân hàng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin nhằm đảm bảo các thông tin tài chính được chuẩn hóa. Bên cạnh đó, cần có lộ trình rõ ràng để tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng; hoàn thiện, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng chiến lược và chính sách quản trị rủi ro.