Giọng ông Bảy Tình sang sảng: “Tay ngang chụp bằng điện thoại già nua như chủ nó mà đẹp gì. Đấy là tui khen hành động đẹp của anh cảnh sát giao thông (CSGT) kìa. Xem lưng áo mồ hôi ướt nhẹp vậy mà vẫn luôn tay làm, có thương không!”.
Cười huề, bà Cúc góp thêm: Nãy ông Nhân với bà Tâm cũng chụp được nhiều hình hay lắm. Có cả tấm người ta ghé lại tặng chai nước suối cho anh CSGT nữa. Bàn nước của quán bà Trần Thị Cúc ven con lộ Võ Chí Công (gần vòng xoay Phú Hữu, quận 9, TPHCM) sáng nay rôm rả hơn ngày thường bởi câu chuyện về người CSGT trẻ tuổi giúp dân.
Hớp một hơi ly cà phê sữa, bà Lê Thanh Tâm góp vào câu chuyện đương “thời sự”: “Tui còn chưa tỉnh ngủ đã nghe có người hỏi cuốc, xẻng gì đó. Tưởng có đánh nhau tới nơi, ai dè là anh công an...”. Số là sáng nay khi mới mở của nhà, bà Tâm nghe có tiếng người hỏi mượn cuốc. Hóa ra là anh CSGT hỏi mượn cuốc để xử lý nhớt trên mặt đường trong vụ tai nạn container. Nhìn ra bên kia đường, bà thấy nhiều người chạy tới chạy lui giúp xe lưu thông. Anh CSGT trẻ nhanh chóng cùng người dân xúc cát lấp vệt dầu nhớt đang lênh láng.
Sáng hôm ấy, nhiều người dân qua lại tuyến đường Võ Chí Công khi bắt gặp hình ảnh này đã lấy điện thoại ra chụp hình, có người còn gửi lời khen ngợi lên mạng xã hội: Hoan hô anh công an, việc làm của anh thật đẹp trong mắt chúng tôi, hình ảnh anh hôm nay rất tuyệt vời! Nắng càng lúc càng gay gắt, đứng bên vệ đường, ông Phạm Quốc Tài gật gù: “Cũng nhờ anh CSGT nhanh trí gọi xe chở cát đến, chứ không nhiều người gặp tai nạn rồi”...
Tôi tìm đến Đội CSGT Cát Lái, gặp lúc Thượng úy Lê Quốc Khánh vừa xong ca trực về đến đơn vị. Nghe nhắc lại câu chuyện được lan truyền trên mạng xã hội, Thượng úy Khánh ngại ngùng: “Đó là việc mà bất kỳ người công an nào cũng sẽ làm nếu thấy, chứ không riêng gì tôi. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ làm sao để xử lý nhanh nhất, tốt nhất nhằm tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, chứ không nghĩ làm để nhận lời khen”.
Bởi nghĩ đến sự an toàn cho người dân lưu thông, nhất là trong giờ cao điểm, nên dù đang trên đường đến chốt trực và điểm tai nạn xảy ra không nằm trong địa bàn mình phụ trách, Thượng úy Khánh cũng báo về đơn vị và nhanh chóng xử lý tình huống.
Thượng úy Lê Quốc Khánh bộc bạch, ngày khoác lên mình bộ quân phục ngành, anh đã nhủ: Người chiến sĩ công an phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Từ đó, anh luôn cố gắng với những công việc mang đến sự tốt đẹp cho người dân.
Trong lần đi tác nghiệp tại huyện Bình Chánh, tôi đã chia sẻ câu chuyện về Thượng úy Khánh với ông Nguyễn Văn Thịnh, một cư dân sống trên đường Hưng Nhơn. Ông Thịnh cũng kể tôi nghe câu chuyện mấy ngày trước. Sau một trận mưa lớn, phần mặt đường của công trình trên quốc lộ 1 gần giao lộ Hưng Nhơn - Nguyễn Hữu Trí chưa kịp san lấp, lênh láng nước. Nhiều “ổ voi”, đất đá lởm chởm khiến vài người chạy xe qua bị té ngã. Ngay đúng giờ cao điểm chiều chủ nhật, người dân từ miền Tây đổ về TPHCM ngày một đông.
“Lúc ấy có 7 CSGT đứng phân luồng, điều tiết giao thông mà xem ra không ăn thua. Kẹt xe kéo dài cả cây số”, chỉ tay ra phần đường nay đã được vá lại, giọng ông Thịnh vẫn còn nguyên vẻ bức xúc: “Nguyên một “lỗ voi” to đùng đầy nước nằm ngay giữa đường, chỉ còn lại đúng một chút đường sát mé lộ đủ cho một xe qua thì làm sao không gây kẹt xe cho được. May mà khi ấy có xe chở đá đi tới, Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Phó đội trưởng Đội CSGT An Lạc, cùng đồng đội ngoắc xe vào, rồi chia nhau đến nhà dân mượn cuốc, xẻng, bê từng thùng đá để lấp đường cho dân qua. Cô mà nhìn thấy mấy chiến sĩ công an mướt mồ hôi, bê từng thùng đá, chân lội nước bì bõm, lấp vũng nước lớn, mới thấy hết tinh thần trách nhiệm của họ. Dân đi ngang qua khen ngợi quá chừng”, ông Thịnh hào hứng. Nhờ đường được vá, hôm ấy, người dân đã dễ dàng lưu thông.
Đó không phải lần đầu các chiến sĩ Đội CSGT An Lạc hỗ trợ người dân. Khu vực Đội CSGT An Lạc phụ trách có nhiều đoạn đường thường bị ngập nước nặng làm xe chết máy, người chạy xe qua đoạn trũng bị ngã. Mỗi lần thấy người bị nạn, các chiến sĩ CSGT đã lập tức giúp dân qua vùng ngập an toàn.
Mệnh lệnh trái tim
Hôm TPHCM bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên đường từ chốt trực về đơn vị, đến giao lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch (quận 2), Thượng úy Nguyễn Năng Dũng, Tổ phó Tổ 2 Đội Chỉ huy và điều khiển đèn giao thông cùng đồng đội phát hiện có những tấm tôn công trình và cây xanh ngã ra đường. Không do dự, 4 đồng chí đã chốt chặn, thổi còi ra hiệu để người dân lưu thông biết đường tránh. Trong cơn mưa tầm tã của buổi chiều hôm ấy, người lưu thông qua khu vực này xúc động trước hình ảnh những chiến sĩ CSGT người ướt đẫm nước mưa, vừa phân luồng giao thông, vừa dùng tay không dọn dẹp những nhánh cây đang chiếm phần lớn mặt đường.
Các anh đã túc trực nhiều giờ đồng hồ cho đến lúc cây xanh được chở đi, mặt đường thông thoáng lại. Thời điểm Thượng úy Dũng và đồng đội về đến đơn vị là 16 giờ, trong khi ca trực của các anh kết thúc lúc 13 giờ 30 phút. Bữa cơm trưa hôm ấy của các anh đã thành bữa cơm chiều.
Ngày tôi chân ướt chân ráo chuẩn bị lên TPHCM học đại học, ba tôi dặn đi dặn lại con gái: Nơi xa lạ thị thành, nếu lỡ bị lạc đường hay gặp trở ngại gì khi lưu thông trên đường, con cứ tìm tới các chú CSGT nhờ họ giúp đỡ. Lực lượng này thường trực trên đường, họ tốt bụng, đáng tin. Học hành và mưu sinh gần 20 năm ở TPHCM với những quan sát và trải nghiệm, tôi thấy lời của ba ngày càng đúng. Bởi, không riêng gì tôi mà rất nhiều người dân sống ở thành phố đã không ít lần bắt gặp hình ảnh của những CSGT thân thiện, nhiệt tình, nhanh trí qua những nghĩa cử cao đẹp. Họ tham gia giải quyết nhiều tình huống “khó đỡ”, thậm chí hiểm nguy mà đôi khi không phải là nhiệm vụ của mình như một mệnh lệnh của trái tim, khiến người dân phải “nức lòng”.