Ảo thuật gian nan tìm lại khán giả

Có một thời, trình diễn ảo thuật tại TPHCM hoạt động sôi nổi, có mặt trong hầu hết các chương trình nghệ thuật, nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của công chúng. Nhưng nhiều năm qua, hoạt động biểu diễn ảo thuật trở nên lu mờ, ít được quan tâm đầu tư, định hướng, phát triển.
Tiết mục Hoa hồng dại của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hưng (Hội VHNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đoạt huy chương vàng Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ 4 năm 2023
Tiết mục Hoa hồng dại của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hưng (Hội VHNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đoạt huy chương vàng Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ 4 năm 2023

Mất dần sân chơi, điểm diễn

Cách đây hơn chục năm, khi TPHCM còn nhiều tụ điểm ca nhạc, sân khấu giải trí hoạt động liên tục như Trống Đồng, 126, Đỉnh Gió Hú… thì các ảo thuật gia có nhiều cơ hội thể hiện tài năng, phát huy sức sáng tạo trong từng tiết mục biểu diễn, đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả. Nhưng, theo sự biến chuyển và thay đổi của thời cuộc, các điểm diễn dần bị đóng cửa thì các ảo thuật gia cũng mất đi các điểm diễn, đồng nghĩa mất đi cơ hội tiếp cận khán giả.

Trong khi đó, Liên hoan Ảo thuật toàn quốc (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức), sân chơi chuyên nghiệp lớn nhất, nơi hội tụ toàn bộ giới ảo thuật Việt Nam để giao lưu, so tài thì suốt từ năm 2008 đến nay mới chỉ tổ chức được 4 kỳ. Như vậy, cả sân chơi chuyên nghiệp lẫn môi trường sống chính của giới ảo thuật đều gần như rất hạn hẹp.

Ảo thuật gia Linh San (TPHCM) chia sẻ: “Có thể nói, ảo thuật là một ngành nghề rất hẩm hiu, ít được quan tâm, thường là tiết mục lót trong các chương trình biểu diễn. Tôi với anh Mạc Can đi diễn ở các sân khấu lớn cũng vậy, khi nào thời gian trống thì mới được ra diễn. Chúng tôi hay diễn với chim bồ câu, do cứ phải chờ cơ hội diễn nên nhiều khi đến lúc diễn thật, chim mệt quá hết bay nổi”.

Cũng do khó khăn cuộc sống nên khâu đầu tư cả về tư duy, ý tưởng, đạo cụ của các ảo thuật gia đang ngày càng trở nên đơn điệu, thiếu sáng tạo. Ảo thuật gia Đoàn Minh Quang (Tiền Giang), người có hơn 50 năm biểu diễn ảo thuật, tâm tư: “Một tiết mục ảo thuật hoàn chỉnh đầu tư rất tốn kém, từ lên ý tưởng, dàn dựng, chuẩn bị đạo cụ đến cả nhân lực hỗ trợ từ 1-2 người, nhất là có một cô gái phụ diễn nữa… Trong khi đó, một suất diễn ảo thuật không được bao nhiêu tiền, chưa kể có khi cả tháng chỉ diễn được 1-2 suất thì càng khó lấy lại được vốn”.

Chiến lược phát triển

Tại buổi tọa đàm “Vấn đề định hướng và giải pháp phát triển ảo thuật Việt Nam” diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ 4 năm 2023 (vừa được tổ chức ở TPHCM), các nghệ sĩ làm nghề đã phản ánh thực tiễn đời sống và hoạt động của nghệ thuật trình diễn ảo thuật tại Việt Nam, nêu những trăn trở, lo lắng cùng đề xuất nhiều giải pháp nhằm góp phần giải quyết các tồn tại của nghệ thuật trình diễn ảo thuật hiện nay.

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhận định: “Bộ môn ảo thuật có một ưu điểm là vẫn có nhiều người trẻ theo nghề bằng đam mê. Nhiều bạn trẻ còn có nét mới trong việc dàn dựng như biểu diễn trên nền cảm xúc của các ca khúc thịnh hành rất hay.

Tuy nhiên, điểm khiến các bạn khó thu hút khán giả là thiếu sự sáng tạo riêng, đặc biệt là những sáng tạo mang đậm bản sắc Việt. Đó cũng là lý do vì sao đội ngũ biểu diễn ảo thuật của TPHCM tuy lớn, nhưng lại thiếu dấu ấn. Bên cạnh đó, việc thiếu đi các sân chơi biểu diễn ảo thuật cũng là một trở ngại để các ảo thuật gia có điều kiện thể hiện mình. Đây cũng là rào cản lớn nhất để phát triển bộ môn ảo thuật hiện nay”.

Đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, chia sẻ: “Bất chấp nhiều khó khăn, lĩnh vực ảo thuật hiện vẫn có được đội ngũ làm nghề năng động, nhiệt huyết. Tuy nhiên, qua liên hoan ảo thuật mới thấy, các nghệ sĩ vẫn còn diễn theo kiểu tùy hứng, hội chợ.

Trong khi đó, để biểu diễn trên sân khấu, trong các chương trình lớn đòi hỏi các tiết mục cần có bàn tay đạo diễn chuyên nghiệp hỗ trợ trong dàn dựng, thiết kế, thực hiện, sự đầu tư chỉn chu về kịch bản, kết hợp cùng âm nhạc… để tiết mục đạt được sức hấp dẫn và chất lượng thẩm mỹ cao. Thực tế trên thế giới, các tiết mục ảo thuật để thu hút khán giả đều có sự chuẩn bị, đạo diễn rất chuyên nghiệp”.

NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đã ghi nhận các ý kiến đóng góp, những đề xuất của người làm nghề để đưa vào chương trình, kế hoạch, mục tiêu hoạt động của hội trong những năm sắp tới.

Theo ông: “Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đang xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức Liên hoan Sân khấu ảo thuật quốc tế. Trước mắt là tổ chức các vệt biểu diễn quảng bá ảo thuật, đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các ảo thuật gia, có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia quốc tế. Hội cũng sẽ hoạch định lộ trình cụ thể từng năm, từng quý, nhằm thực hiện giải pháp gỡ khó cho bộ môn trình diễn ảo thuật trong môi trường biểu diễn nghệ thuật hiện nay.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc xây dựng một sân khấu riêng cho biểu diễn ảo thuật là rất khó, các ảo thuật gia cần có sự sáng tạo để thích nghi biểu diễn trong những sân khấu hiện có, đó mới là hướng đi thực tế nhất hiện nay”.

Tin cùng chuyên mục