Tôi vẫn nhớ những ngày đầu tháng Chạp, mẹ thường dắt tay tôi và hai đứa em đến tiệm may nhà cô Tuyền phía đường quốc lộ. Trên con đường ngắn ngủi, tôi nhớ lời mẹ tâm sự: “Mấy đứa nay sướng hơn rồi. Thời trước của mẹ cực lắm, hai năm mới mua được năm mét vải. Bà ngoại dành dụm đến tết để may vài bộ đồ cho bầy con.”
Đến nơi, mẹ tôi đưa cho cô Tuyền những xấp vải mà mẹ đã mua sẵn. Tôi được một bộ đồ riêng, hai đứa em gái tuy không là song sinh, nhưng mẹ tôi thường chọn những mẫu vải giống nhau. Khoảng thời gian ấy, tôi chưa bao giờ thấy ba mẹ cùng may đồ mới với anh em tôi.
Tết của gia đình tôi đủ đầy hay không phụ thuộc vào thời vụ. Năm nào mưa thuận gió hòa, năm ấy tôi có được nhiều bộ đồ mới. Tôi vẫn nhớ một mùa tết nọ, bà con quê tôi bội thu vụ mía. Gia đình tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Bà con ai nấy đều hưởng trọn câu nói: “vui như tết”. Năm đó, anh em tôi cũng nhận được áo quần mới sớm hơn từ cô Tuyền thợ may. Mỗi đứa được hai bộ. Tôi vui mừng đem khoe với đám bạn. Có vài đứa cũng hạnh phúc vì được nhiều đồ mới như tôi. Nhưng cũng có những gương mặt đượm buồn vì vụ mùa nhà nó không được bội thu.
Mùa tết năm tôi học lớp 9 lại khác, vụ mùa dưa hấu lần đó khiến ba mẹ tôi điêu đứng. Tết cạnh kề, thương lái ép giá bà con, ba mẹ tôi vất vả cho đến những ngày cận tết. Hai đứa em tôi thơ ngây, nhờ tôi hỏi mẹ những bộ đồ mới. Tôi xịu nét mặt, cố gắng khuyên bảo hai đứa thông cảm và chờ đợi thêm. Tối khuya ngày 29 tết, mẹ tôi trở về từ chợ khi đã bán xong những quả dưa hấu đổ đống.
Mồ hôi nhễ nhại, nhưng mẹ vẫn cười tươi như thỏa lòng khi nhìn thấy anh em tôi. Trên tay, mẹ nắm chặt ba bộ đồ tết. Hai đứa em tôi nhận đồ mới từ mẹ, mặt vui như mở hội, nhưng tôi lại có chút buồn trong lòng. Mãi những năm về sau, qua lời kể của cô Tuyền, tôi biết năm đó, cận kề ngày tết, mẹ tôi năn nỉ cô Tuyền may vội, lấy số đo cũ của anh em tôi.
Dù buồn hay vui, mùng 1 Tết năm nào, đại gia đình tôi vẫn quây quần bên nhà từ đường. Áo quần của từng đứa con, đứa cháu thường là đề tài chuyện trò của mấy bà mấy mẹ. Ai mặc đồ đẹp nhất? Đứa nào phải tốn vải hơn vì đã lớn? Chị mua tấm vải này ở đâu? Bộ đồ đó em mua ở tiệm nào?
Mấy câu hỏi ấy cứ quanh quẩn bên bánh mứt đầu năm. Ngoài tiền lì xì, nhận được lời khen, đám trẻ chúng tôi thường vui hết mùa tết. Nghĩ lại, tôi thương ba mẹ vô cùng, nhiều mùa tết ba mẹ phải mặc lại đồ cũ, nhưng khi thấy con mình nhận được lời khen từ người khác, ba mẹ lại cảm thấy vui vẻ và ấm lòng.
Biết bao mùa tết đã qua, tôi và hai đứa em nay đã lớn, đã tự mua sắm cho riêng mình. Mẹ tôi không còn phải nhọc công dẫn đàn con thơ ra tiệm may cô Tuyền như ngày trước. Áo quần thời nay cũng phong phú, đa dạng và dễ mua. Những tiệm may vẫn còn đó, cửa hàng quần áo cũng trưng bày đa dạng, các cửa hàng online cũng tấp nập giảm giá mùa tết. Dù ở đâu ,nhiều người vẫn có thể lựa chọn được những bộ đồ vừa ý. Mồng 1, mồng 2, mồng 3, mỗi ngày mỗi bộ để không bị “đụng hàng” với ai.
Những đứa em, đứa cháu trong dòng họ tôi bây giờ lại khác, không còn cảnh chạy nhảy tung tăng để khoe những bộ đồ còn thơm mùi mới như tôi ngày bé. Ngồi yên một chỗ, bọn trẻ chỉ cần đăng một bức ảnh lên mạng kèm theo câu chúc tết, chờ trong giây lát, những bình luận chúc mừng ngày đầu năm hay những lời khen về bộ đồ mới mà chúng đang khoác trên người sẽ hiện lên. Chốc lát, chúng lại vào để đọc lời khen và đếm lượt like.
Những cái tết gần đây, trước khi trở về nhà cùng gia đình, ba anh em tôi chia nhau sắm sửa đồ tết cho ba mẹ. Dù điệp khúc “bây mua gì cho tốn kém, áo quần ba mẹ đâu thiếu!” cứ vang lên, nhưng anh em tôi vẫn sắm sửa vì đó là bổn phận của đạo làm con. Với mẹ, hình ảnh được bà ngoại may cho tấm áo mới ngày tết mấy mươi năm về trước vẫn được mẹ lưu giữ. Nơi cõi lòng tôi, cái nắm tay thân thương trong những ngày đầu tháng Chạp, khi được mẹ dẫn đến tiệm may cô Tuyền cũng vẫn còn đong đầy cảm xúc khi không khí tết ngoài kia đang ùa về.
Qua bao mùa tết, những bộ đồ mới năm nào cũng cũ dần, chỉ có tình thương gia đình là vẹn nguyên, tôi cũng men theo đó mà trưởng thành. Để rồi chiều nay, giữa phố thị tấp nập người qua, nhìn những bộ đồ mới bày bán dịp tết, tôi nhớ ba mẹ, nhớ hai em và ngóng đợi ngày tết đoàn viên đến nao lòng.
PHẠM HẢI MIÊN
Địa chỉ: 60 Lý Nam Đế, Phước Long, Nha Trang, Khánh Hòa
Email: peterchaupham@gmail.com