Ngày 27- 11, tọa đàm “Áo dài Việt từ lịch sử đến đương đại” tại Thanh Hóa đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, bảo tồn trang phục cổ.
Một lần nữa câu chuyện cách tân của áo dài trong thế kỷ 21 với những quan điểm ủng hộ, phản bác đối với một số cách tân “mới”, “lạ” đã được đưa ra bàn luận. Trong những năm trở lại đây, áo dài cách tân đã trở thành xu hướng thời trang của nhiều người. Tuy nhiên, sự nở rộ của trào lưu đã rộ lên nhiều mốt áo dài cách tân độc đáo dẫn đến những tranh luận với những ý kiến trái chiều.
Xung quanh tranh cãi này, theo nhà văn Trương Quý, cùng với sự trở lại của áo dài truyền thống thì sự biến tấu của áo dài của giới trẻ hiện nay chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta cũng không nên chăm chăm chỉ có một loại áo dài. Thực tế áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều lần biến đổi mới thành hình khá hoàn chỉnh, ổn định và được thừa nhận là trang phục truyền thống như hiện nay.
Dưới một góc nhìn khác, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, người tích cực xây dựng xu hướng đưa áo dài nam trở lại với cuộc sống đương đại, lại bày tỏ sự tiếc nuối về sự mai một giá trị của áo dài truyền thống.
Chính sự cầu kỳ mới chứa đựng những tinh hoa dân tộc. Chiếc áo cũng là sự hội tụ của tinh hoa của người đàn ông Việt. Thực chất, chiếc áo dài nam của người đàn ông Việt đã vô cùng tối giản. Nó mang tính giáo dục rất cao, khi ta mặc bộ trang phục lên người, nó buộc chúng ta phải có phong thái nghiêm trang, đĩnh đạc, ngay lập tức biến ta thành một con người hoàn toàn khác.
Cũng theo họa sĩ Đức Bình, từ thực tế vận động khôi phục nét đẹp truyền thống của những tà áo dài nam cho thấy trong khi lớp trẻ thế hệ 8x, 9x rất hồ hởi tiếp thu và đón nhận tinh hoa văn hóa truyền thống thì thế hệ cha chú đi trước lại rụt rè, bảo thủ hơn rất nhiều. Nhiều vị vẫn giữ quan niệm "cái này của phong kiến", "cái này của cường hào ác bá" ngày xưa hay mặc, chính điều này khiến cho chiếc áo dài của chúng ta càng bị đẩy xa hơn…
Được coi là một người luôn hướng về các giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu - nhà sưu tập trang phục Việt Trịnh Bách lại có những cái nhìn khá kỹ tính và đầy hoài cổ về áo dài khi cho rằng nhiều người may áo dài ngày nay lại chẳng hiểu gì về áo dài. Như áo dài của nam chẳng hạn không chiết eo mà để suông thẳng thể hiện sự nam tính. Hay như việc kết hợp váy đụp với áo dài mới xuất hiện của mùa tết năm vừa rồi mà nhiều người cho rằng đó là kiểu kết hợp ngày xưa của các cụ là không chính xác, đó là váy có nguồn gốc của dân tộc Choang - ông Trịnh Bách nói.
Theo ông, áo dài trong lịch sử ghi nhận nhiều dấu ấn về sự cách tân nhưng muốn giá trị của trang phục này được lan tỏa thì phải giữ cho được sự mềm mại, được tinh thần của người Việt trong đó.
Có thể nói sự va chạm giữa cách tân và truyền thống để chọn ra cái đẹp cho mỗi người là điều khó. Không phải ai cũng ủng hộ việc thay đổi, làm mới truyền thống. Tuy nhiên, qua thời gian, thời trang cũng dần thay đổi để phù hợp với xã hội phát triển vì thế thay vì cứ mãi bàn luận về việc ủng hộ truyền thống hay cách tân, diễn giả Trương Quý đề xuất xây dựng cuốn sách về áo dài Việt… Khi ấy không chỉ các nhà nghiên cứu, người làm thời trang mà mỗi người đều có thêm nhiều thông tin hơn để có những lựa chọn phù hợp.