Thiết thực vì người nghèo
Anh Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đoàn xã An Bình A, cho biết một vài shop cho thuê đồ cưới tại địa phương sau khi đã ngưng hoạt động hay chuyển nghề, chủ cơ sở có nhã ý muốn cho tất cả những hộ nghèo và cận nghèo có nhu cầu thuê đồ cưới được chọn mượn sử dụng. Tuy vậy, việc thông tin quảng bá ở vùng sâu còn hạn chế nên họ đã giao toàn bộ “đồ nghề” cho đoàn thanh niên xã thực hiện mong muốn của mình. Đoàn xã được chính quyền giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ quản lý mô hình và hội phụ nữ xã làm tổ phó, đảm nhiệm công việc đi gom đồ từ các shop về giặt giũ, trang hoàng tại một phòng của trung tâm học tập cộng đồng xã.
Các chủ cơ sở đều có chung một tấm lòng hỗ trợ những đám cưới nghèo. Anh Huỳnh Tấn Nghĩa (ở xã An Bình A, thị xã Hồng Ngự) được người chị ruột giao lại cho hai vợ chồng toàn bộ đồ cưới có sẵn trong tiệm kinh doanh trước đây. Nhưng do bận làm ăn nên công việc cho mượn đồ cưới miễn phí chưa được nhiều người biết đến. Nay xã tổ chức mô hình này, vợ chồng anh chị liền bàn giao cho địa phương để nhiều người được hỗ trợ hơn.
Anh Huỳnh Thanh Lem (ở xã Tân Hội, huyện Hồng Ngự) chia sẻ: “Shop của tôi ngưng hoạt động vì sau một thời gian phải cần thêm vốn để trang bị mới những kiểu áo hợp thời trang. Vợ tôi hiện còn làm nghề trang điểm cô dâu. Thấy việc góp chút phần nhỏ chia sẻ gánh lo cho những cặp đôi nghèo là việc làm có ý nghĩa nên vợ chồng tôi gom hết quần áo, cổng rạp giao cho xã”.
Hạnh phúc khi có được chiếc áo cô dâu
Cặp đôi đầu tiên đến shop đồ cưới miễn phí là chị Phan Thị Cúc (28 tuổi, ngụ ấp An Lợi, xã An Bình A) và chồng sắp cưới là người dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Cô dâu vui mừng chọn mượn 3 bộ áo cưới vừa ý và nhìn ông ngoại cùng đi, xúc động tâm sự: “Con hạnh phúc lắm, ông à! Nếu thuê 3 chiếc áo cưới này bên ngoài, khả năng nhà mình mơ cũng không có được”.
Ông Nguyễn Ngọc Bỉ, ông ngoại của chị Cúc, cho biết: “Ba nó qua đời, mấy mẹ con đi làm mướn nghèo lắm. Hai đứa em nó ốm yếu khật khờ. Nó và chồng sắp cưới cùng đi làm công nhân ở Bình Dương. Nhà dột nát phải mượn nhà tôi làm đám cưới. Được địa phương giúp đỡ, chứ nếu thuê 3 bộ áo cưới cũng tốn thêm hơn triệu bạc. Với con nhà nghèo, tiền nong eo hẹp thì đỡ được đồng nào hay đồng nấy”.
Sau đám cưới, chị Cúc tự nguyện gửi lại ít tiền để phụ chi phí cho xã thuê người giặt giũ. Chị Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Bình A, chia sẻ: “Ngoài cho mượn áo cưới, cổng rạp, xã cũng vận động người làm trang điểm dạo tại địa phương giảm chi phí 50% cho những cô dâu được Đoàn xã giới thiệu đến với họ. Đồng thời, thông qua các mạnh thường quân, tổ chức hội phụ nữ và đoàn thanh niên cơ sở sẽ tìm giải pháp kinh phí thuê mặt bằng để shop cho mượn áo cưới của xã được phục vụ những cặp đôi có nhu cầu ngày càng hiệu quả, nhất là vào những tháng cuối năm, mùa cưới chính vụ”.